Hôm ni có dịp hàn huyên với bạn cũ về câu chuyện xoay quanh tuyển chọn nhân viên cho cơ quan. Nói về tiêu chí tuyển chọn người thì có vô vàn, bởi yêu cầu bằng cấp chuyên môn, tính chất công việc, vị trí việc làm trong đơn vị… Nhưng chung quy lại cả hai đều thống nhất là nhân viên mới nên ưu tiên chọn những bạn có các tố chất như sau:
- Trung thực và đàng hoàng. Đức tính này nghe ra khó định lượng, nhưng lại rất dễ nhận ra khi thử giao một vài công việc, tiếp xúc một vài đối tác. Đơn giản là khi nhận việc thì biết khả năng mình đến đâu để có thể mạnh dạn đồng ý với việc được giao, còn không thì nên có ý kiến rõ ràng. Sau khi nhận rồi thì cố gắng hết sức để hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu, không nên tìm cách trì hoãn hoặc viện lý do này nọ để thoái thác. Tương tự, người đàng hoàng thường ít khi rụt rè, lẩn tránh việc nêu ra chính kiến và luôn có phong thái tự tin, đĩnh đạc. Nếu không trung thực thì khó tiến xa, nếu không đàng hoàng thì khó kết nối rộng. Chung quy đây là tiêu chí đóng góp và sự phát triển lâu dài và thành công của tổ chức.
- Không đặt nặng vấn đề thu nhập khi mới vào làm. Ý là không quá nặng nề về thu nhập kinh tế, tất nhiên là đủ trang trải nhu cầu thiết yếu của một người ra đời lập nghiệp (thuê nhà, xăng xe, ăn uống…). Nếu bị áp lực quá lớn về kinh tế, bạn trẻ thường hay bị loá mắt bởi đời sống vật chất hiện tại, quên mất đam mê và lý tưởng phấn đấu về nghề nghiệp, chưa kể có khi sa vào những tật xấu và dẫn đến thui chột năng lực vốn có của mình. Một số bạn hay bị bệnh ATSM (ảo tưởng sức mạnh), nghĩa là đưa ra mức lương rất cao. Tuy nhiên khi được hỏi em sẽ làm gì cho đơn vị để được trả mức lương như vậy thì … lại không nói được. Mình thích các bạn trẻ ra trường luôn đặt mục tiêu chuyên môn, nghề nghiệp lên trước, tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm để sau một vài năm sẽ trưởng thành. Đến lúc đó, thu nhập kinh tế chắc chắn sẽ được cải thiện, đồng thời sự nghiệp của người đó cũng sẽ ổn định và bền vững hơn.
- Có khả năng làm việc nhóm. Đây là một tố chất nghe qua thì mang tính phong cách ‘bề nổi’, nhưng thực ra lại rất quan trọng khi tiếp xúc với loại công việc kết nối với nhiều bên liên quan. Kỹ năng này vừa thể hiện khả năng biết/chịu khó lắng nghe ý kiến người khác, vừa đưa ra được các góp ý thực tế đóng góp vào thành quả chung của cả nhóm. Nhiều bạn thích nói và nổi trội hơn, một số khác lại chỉ im lặng cắm cúi vào việc được giao. Cả hai đều không hiệu quả khi tham gia làm việc nhóm. Câu ‘luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu’ có vẻ đúng khi mô tả về kỹ năng này.
- Tính độc lập khi làm việc. Không hẳn là trái ngược với tiêu chí #3 nêu trên, mà tính độc lập được hiểu là khả năng tự lập kế hoạch, tìm kiếm giải pháp trước khi tham vấn người khác. Nhiều bạn mới ra trường hầu như không thể chủ động đề xuất được một ý tưởng gì khi được giao việc. Có lẽ trường học không tập cho các bạn khả năng tư duy độc lập, tác phong chủ động tìm kiếm giải pháp, và luôn tìm tòi thử nghiệm để khám phá ra những điều mới lạ. Kỹ năng này khá yếu ở sinh viên VN khi bước chân ra khỏi môi trường ‘an toàn’, và nhất là khi phải trải nghiệm trong môi trường hoàn toàn mới (du học, du lịch).
- Có chí hướng phấn đấu. Nôm na là có lý tưởng một chút, nghĩa là làm việc tích cực và hướng đến một tương lai rộng mở hơn, không an phận và chấp nhận hiện tại. Mình thích các bạn ưa trải nghiệm và đề xuất những hướng đi táo bạo, mới mẻ. Tất nhiên điều này đòi hỏi một quá trình tích luỹ và trải nghiệm, nhưng tuổi trẻ nên có những hoài bão và tham vọng, hơn là như ‘ông cụ non’ chỉ biết lặp lại những điều đã học và không chịu kiểm chứng/trải nghiệm xem liệu lý thuyết đó có đúng trong những hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau hay không.
Chung quy lại, các bạn đang ở trường ĐH thì nên rèn luyện và chọn cho mình một hướng đi cụ thể để tích luỹ kiến thức (chí hướng); bạn mới ra trường thì cố gắng tự tin và đĩnh đạc, không việc gì phải sợ hãi hoặc rụt rè trước nhà tuyển dụng (trung thực và đàng hoàng). Nếu làm được vậy, ít ra các bạn đã tạo được dấu ấn nhất định để có cơ hội được tuyển dụng cao hơn.
Phá Tam Giang, SN46
dungo