Chính danh

Xã hội VN hiện nay chưa phát triển được phần nào do nguyên nhân chưa thừa nhận tính ‘chính danh’. Theo nghĩa rộng, chính danh nghĩa là người đưa ra sáng kiến phải được công nhận, người làm được việc phải được hệ thống thừa nhận, người trực tiếp làm ra của cải, nguồn thu cần được ghi nhận và tưởng thưởng. Theo nghĩa hẹp, chính danh là được công nhận về thành quả mà mình trực tiếp làm ra.

Hiện tại, có khá nhiều ví dụ chứng minh xã hội chưa thừa nhận tính chính danh. Ở một cơ quan, tình trạng phổ biến là cấp phó làm toàn bộ các cộng việc (tương đương cấp trưởng) nhưng không được phép ra mặt khi kể công. Hoặc rõ hơn, một người có năng lực nhưng vì lý lịch hoặc tính cách (không chịu lòn) nên cùng lắm chỉ lên đến được cấp phó, mặc dù gần như 2/3 hoặc toàn bộ công việc do người đó đảm nhận. Hệ quả là người có năng lực nhưng không được thừa nhận (tính chính danh) chỉ phát huy được phần nào năng lực sở trường, và với cơ chế đãi ngộ bất bình đẳng, người này sẽ càng dần về sau không muốn phát huy những tinh hoa còn lại của mình bởi lý do đãi ngộ kém.

Rất dễ dàng tìm ra nhiều ví dụ minh hoạ cho tính chính danh hiện nay trong xã hội mình. Ở hình thức đơn giản của tính phi-chính danh, đó là nhân viên luôn phải viết bài phát biểu cho sếp trong mỗi đợt hội nghị hoặc họp hành. Cao hơn một chút là sếp luôn đứng tên trên một bài báo khoa học, hay chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu – là công trình mà người viết ý tưởng và triển khai thường không phải là sếp của đơn vị đó. Tuy nhiên vì danh hiệu và vì truyền thống lâu nay, thủ trưởng đơn vị (thường có học hàm, học vị) phải đứng tên thì đề tài mới được phê duyệt. Ở hình thức cao hơn, sếp ‘đạo’ luôn ý tưởng, công trình của nhân viên để dành được suất đề tài cấp nhà nước hoặc cấp bằng sáng tạo.

Đã đến lúc, con người tự trọng nên trả lại giá trị và công sức lao động cho tác giả đích thực của công trình, đề tài đó. Một xã hội mà toàn sống dựa vào ý tưởng của người khác thì không thể nào phát triển khá lên được. Tuy nhiên trước khi nói đến cải tạo xã hội, những người lãnh đạo nên có chút lòng tự trọng để không tiếm xưng mình là chủ nhiệm đề tài này, dự án nọ, điều phối chương trình kia … để còn tạo niềm tin cho cán bộ dứoi quyền mình nhiệt tình đề xuất các ý tưởng mới giúp cho sự phát triển chung của tổ chức. Làm được như vậy mới chứng tỏ mình là người lãnh đạo luôn lo lắng cho sự tồn tại và phát triển của đơn vị.

dungo

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Author. Bookmark the permalink.