Bao nhiêu Tiến sĩ là vừa?

Nghe sếp trưởng nói về thông tin đề án đào tạo 9.000 TS mới thấy tư duy số lượng của các nhà quản lý xứ mình. Trong khi nhiều vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng thì các bác lại tiếp tục làm mới cái đề án ‘20.000 TS’ năm xưa và khả năng sẽ lại tiếp tục cho ra lò những sản phẩm thô kệch như báo chí đã nêu.

Mình có mấy suy nghĩ lăn tăn về hiệu quả của đề án này trên các thông tin hiện tại:

  • Số lượng GS, TS của Việt Nam nhiều hay ít? Trong số  TS hiện có, bao nhiêu vị đang làm nghiên cứu? Theo một vài nguồn thông tin, phần lớn các TS đều đang làm công tác quản lý là chính. Như vậy, lấy gì làm đảm bảo trong số 9.000 TS  ‘xuất xưởng’ trong thời gian tới sẽ có bao nhiêu vị được nâng cấp, hoặc chủ yếu để giúp làm đẹp đội hình? Và do vậy, kinh phí đào tạo sẽ chỉ mang lại thêm nhiều ‘nhãn mác’ chứ không giúp làm tăng thêm thành quả nghiên cứu như mong đợi.
  • Số lượng TS đi học nước ngoài về hiện nay có bao nhiêu người đang làm nghiên cứu? Trong số đó có bao nhiêu người ở các trường/viện công lập đi theo đề án 322, 911? Bao nhiêu người không trở lại hoặc chuyển việc khác (không nghiên cứu) hoặc chuyển ra khỏi cơ quan nghiên cứu nhà nước? Đâu là những nguyên nhân khiến người học không tiếp tục con đường nghiên cứu trước đây? Liệu đề án hiện tại có đảm bảo rằng số lượng đào tạo sẽ ‘yên tâm trở lại công tác’ như mục tiêu đặt ra?

Với kinh nghiệm bản thân, mình thấy nhiều vấn đề liên quan dường như chưa được các bác ở trển quan tâm đúng cho lắm, nhất là khi chỉ đưa ra con số mà không lý giải được những điểm cơ bản về định hướng và cách thức (hay đây là nguyên tắc chung thường thấy khi làm chính sách ở miềng?).

Nếu bỏ qua chuyện số lượng, chỉ cần nói về chiến lược đào tạo và sử dụng cán bộ đào tạo cũng đã có nhiều vấn đề. Thông thường, gửi người đi đào tạo đều đặt ra mục đích cuối cùng là người đó trở về và cải thiện vị thế của đơn vị. Muốn được vậy, cần có 3 bước liên kết là (1) chiến lược phát triển của đơn vị – (2) kết nối trong quá trình đào tạo – (3) tạo môi trường sử dụng khi quay về. Xem lại quy trình chọn và cử người đi học, duy trì liên lạc và kết nối trong quá trình học tập, và tạo môi trường cho người học trở về áp dụng đều chưa ổn đối với quy trình cử cán bộ theo học TS ở nước ngoài như hiện nay.

Rất ít đơn vị có quy hoạch định hướng (1) rõ ràng về cử ai đi học, học về lĩnh vực gì, và học về để dẫn dắt/phát triển mảng nghiên cứu nào của đơn vị. Theo mình biết, phần lớn người đi học hoàn toàn tự đăng ký theo định hướng cá nhân, ít khi gắn kết với định hướng của bộ môn, khoa hay trường. Với những đơn vị có định hướng thì phần lớn cũng chỉ nằm trên giấy (kế hoạch) và chỉ có nêu chung chung, không rõ ràng về lịch trình cũng như bố trí kinh phí để phát triển theo hướng đó (tính khả thi của các kế hoạch/chiến lược này rất thấp). Do vậy, người chuẩn bị đi học đa phần tự thân vận động về đề tài mình chọn miễn sao có thầy hướng dẫn và tự tin về chuyên môn cá nhân. Ở đây cho thấy sự khập khiễng giữa mong đợi của bản thân và mong đợi của tổ chức, mà nguyên nhân sâu xa là do thiếu trao đổi lẫn nhau.

Trong quá trình theo học (2), mức độ liên hệ tương tác giữa người học và các hoạt động học thuật ở nhà thường ít khi được cập nhật. May mắn một số ít còn liên lạc với bộ môn, trao đổi ý tưởng, hoặc nhờ bạn bè đồng nghiệp hỗ trợ thu thập dữ liệu. Do vậy, hầu như đề tài của người đi học rất ít người ở nhà biết đến và cập nhật. Việc thiếu cập nhật thông tin, định hướng phát triển của cơ quan cũng gây không ít khó khăn cho người đi học khi muốn quay trở lại hoà nhập với môi trường ở nhà. Ngoài ra, có thể do thiếu tự tin trong quá trình làm đề tài nên mức độ cập nhật tiến độ cũng bị hạn chế.

Học xong (3), nhiều người muốn được tiếp tục triển khai hướng nghiên cứu mà mình đang theo đuổi, nhất là những ai vừa xong bậc TS đều có nguyện vọng này. Tốt nghiệp TS không có nghĩa là thông thạo tất cả những vấn đề đặt ra trong luận án, mà chỉ là mới hoàn tất đủ yêu cầu ban đầu của bậc học dưới áp lực của thời hạn nghiên cứu, kinh phí hỗ trợ. Do vậy, nhất thiết cần tiếp tục hoàn thiện và củng cố những gì đã theo đuổi. Tuy nhiên, khi trở về hiếm khi người học được cấp quản lý quan tâm hỏi một câu ‘học lĩnh vực gì, có nguyện vọng/mong muốn gì để có thể áp dụng được kiến thức đã học’. Thay vào đó, TS trở về thường đối mặt với thực tại khắc nghiệt là thiếu môi trường học thuật chia sẻ, lương thấp nên phải tự bươn chải theo hàng tá việc không tên, hoặc được giao khối lượng giảng dạy (đứng lớp) quá nhiều làm bớt thời gian dành cho nghiên cứu. Đây là những rào cản làm hình thành nên hai nhóm TS sau khi trở lại: một là, hoà mình vào cuộc sống bận rộn với chuyện cơm- áo- gạo- tiền và tạm quên ước mơ áp dụng những thứ đã học; hai là thay đổi hẳn công việc trước đây để chuyển sang một môi trường khác phù hợp hơn (chuyên môn, thu nhập).

Nhiều người cho rằng, các TS du học trở về hay đòi hỏi lương bổng mà không chia sẻ khó khăn với đơn vị. Theo mình đó không phải là đòi hỏi chính trong trường hợp đơn vị vẫn còn khó khăn. Thay vào đó, với người theo đuổi học thuật nghiên cứu thì môi trường để phát triển quan trọng hơn tất thảy. Trở lại làm việc trong một môi trường không thuận lợi rất dễ làm nản lòng những ai muốn theo nghề nghiên cứu: phòng làm việc, hướng phát triển chuyên môn, thủ tục đề xuất quản lý dự án, bố trí thời gian làm việc … tất thảy đều là những điều kiện không quá phức tạp mà một nhà quản lý giáo dục đều làm được. Điều duy nhất là họ có thật sự muốn hỗ trợ cho các TS trở về làm việc hiệu quả, thật sự quan tâm và coi đó là việc quan trọng trong định hướng phát triển của đơn vị hay không. Nhiều người học về thậm chí phải ‘năn nỉ’ may ra mới có được một chỗ làm tạm ổn, thì thử hỏi lấy gì nói đến yêu cầu để ‘phát huy năng lực’ chuyên môn đã được đào tạo.

Một chuyện nhỏ nhưng lại liên quan đến động lực làm việc của người học khi trở về, đó là thưởng cho các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế theo chất lượng tạp chí. Trước đây, nhiều nhà khoa học đã đề xuất cơ chế thưởng cho bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế. Một số trường lớn đã thử nghiệm, nhưng phần lớn các trường không màng đến sáng kiến này. Tính khả thi của sáng kiến này khả năng là do rào cản từ nhận thức về tầm quan trọng của bài báo quốc tế, chưa nói đến thái độ của số đông trong trường đại học cho rằng cơ chế này tạo sự ‘phân biệt’ trong môi trường học thuật nước nhà (!). Mặt khác, nếu lãnh đạo không có thời gian để tham gia nghiên cứu và xuất bản thì chắc chắn không mặn mà với chủ trương này.

Kinh phí đào tạo cũng là một chuyện thú vị. Cách đây vài năm, người viết có tham dự một buổi toạ đàm về ‘động lực làm việc của các nhà khoa học trẻ’ ở Hà Nội. Thảo luận hôm đó đưa ra một ý rất mới: Liệu nhà nước có sẵn sàng hỗ trợ một phần kinh phí cho những TS – người tự tìm được học bổng – áp dụng kiến thức của họ vào thực tiễn hay không? Lập luận chung đó là: thay vì nhà nước bỏ ra một khoản tiền lớn (đề án 322, 911) thì chỉ trích một phần nhỏ thưởng cho những người có khả năng tự tìm nguồn đào tạo để có thể áp dụng kết quả vào thực tế. Làm cách này, nhà nước có thêm nguồn nhân lực, mà lại khuyến khích được nhiều nhóm nghiên cứu thiết lập và đóng góp vào thành tựu khoa học của quốc gia. Nói vậy để thấy không nhất thiết nguồn kinh phí đào tạo TS phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách. Thay vào đó, nguồn hỗ trợ nên tập trung cho các công trình ứng dụng sau đào tạo và khả năng nhân rộng hiệu quả đào tạo sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần.

Tóm lại, trước khi nói đến số lượng và kinh phí đào tạo TS, thiết nghĩ các cơ sở đạo tạo nghiên cứu trong nước nên nghĩ đến các vấn đề như đã thảo luận, cụ thể cần bao nhiêu, cần để làm gì, nên vào thời điểm nào, điều kiện nào để người trở về có thể phát huy được những gì đã học … Đó mới là những cơ sở để đưa ra con số phù hợp và cách thức huy động kinh phí (tự trang trải, hỗ trợ một phần, tài trợ doanh nghiệp) thay vì chỉ đưa ra các con số thiếu thực tế.

PS: Mới đọc được bài của Blogger Hiệu Minh có cùng ý tưởng.

dungo

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Author. Bookmark the permalink.