Hôm nay là ngày đặc biệt (15/2) với tin vui đến từ Lausanne (Thuỵ Sĩ): Dự án nghiên cứu về ‘chuyển tiếp rừng‘ ở Việt Nam đã được phê duyệt tài trợ trong chương trình R4D do hai cơ quan Tổ chức Hợp tác Phát triển Thuỵ Sĩ (SDC) và Quỹ Khoa học Quốc gia Thuỵ Sĩ (SNSF) tài trợ.
Chương trình tài trợ nghiên cứu R4D là một chương trình rất cạnh tranh được triển khai trong 10 năm (2012-2022) với tổng vốn tài trợ gần 100 triệu Franc Thuỵ Sĩ. Chương trình tập trung vào năm lĩnh vực nghiên cứu chính gồm: Xung đột xã hội (Social Conflicts), Việc làm (Employment), An toàn lương thực (Food Security), Hệ sinh thái (Ecosystems) và Y tế công cộng (Public Health). Đến nay, hướng nghiên cứu Ecosystems mới chỉ có 03 dự án được tài trợ là Cọ dầu (làm ở Indonesia-Cameroon-Colombia, ETH Zurich), Loài xâm lấn thân gỗ (Đông Phi, CABI Switzerland), Hệ SES (Lào-Myanmar-Madagascar, CDE-University of Berne). Dự án về ‘forest transition’ này là dự án thứ tư về Ecosystems. Mỗi dự án đều có quy mô từ 1,5 – 1,8 triệu Swiss Franc và được tiến hành trong 6 năm.
Nhóm nghiên cứu gồm 02 thành viên từ ĐH Lausanne – UNIL (GS. Christian, Dr. Roland) và 02 thành viên từ ĐH Huế (Dr. Dũng – IREN, Dr. Thắng – HUAF). Quá trình xây dựng đề cương dự án đến khi được phê duyệt mất thời gian gần 01 năm. Khởi đầu câu chuyện bắt nguồn từ thời gian mình làm postdoc ở Zurich. Qua số liệu online của Cục Kiểm lâm, mình và Dr. Roland cùng phân tích xu hướng biến động của diện tích rừng (trồng và tự nhiên) ở Việt Nam trong mối liên quan đến các dữ liệu xã hội (kinh tế hộ, tiếp cận nước sạch, y tế, giáo dục – dữ liệu của WB) và các chính sách (PFES, REDD+, FLA, 327, 661). Từ đó nhóm đã có bài báo đăng ở tạp chí Environmental Reviews. Kế thừa dữ liệu và thông tin này, mình và Roland đã đến UNIL gặp GS Christian để vạch ra hướng nghiên cứu kế tiếp về ‘chuyển tiếp rừng’ ở Việt Nam, viết ý tưởng dự án và nộp cho kêu gọi của R4D vào 01/4/2016. Đến tháng 10/7/2016 thì ý tưởng được chọn với các nhận xét rất tích cực và được mời viết tiếp dự án chi tiết. Trong quá trình này, Christian và Roland đã đến Huế vào dịp 2/9 để thăm hiện trường, trao đổi ý tưởng với các bên liên quan nhằm củng cố thêm các dữ liệu và hỗ trợ thực hiện nếu dự án được tài trợ. Đến 06/10/2016 nhóm đã nộp dự án chi tiết với đầy đủ các thư ủng hộ của các bên liên quan (IREN, HUAF, UBND Huyện A Lưới, Quỹ BVPTR & Chi cục Kiểm lâm tỉnh).
Hôm nay, chương trình R4D đã có email thông báo Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Quỹ (NRC) đã phê duyệt tài trợ cho dự án này. Thủ tục chính thức sẽ được tiến hành trong một vài tuần tới. Dự án sẽ khởi động vào khoảng giữa năm 2017 và kéo dài trong 6 năm (2017-2022). Thành công này là do sự chuẩn bị về ý tưởng, quá trình viết và trao đổi chỉnh sửa, tiến trình gặp và trao đổi các bên liên quan, hoàn tất hồ sơ đệ trình …đều cực kỳ công phu và chu đáo. Tất nhiên, may mắn cũng là một phần không thể thiếu trong tiến trình xin tài trợ, nhất là tài trợ nghiên cứu và trong bối cảnh nguồn hỗ trợ ưu tiên cho Việt Nam đang ngày càng suy giảm.
Một số bài học rút ra từ quá trình viết và đệ trình dự án này:
- Thứ nhất, chọn team phối hợp rất quan trọng: đúng người, cùng đam mê, dành thời gian hợp lý. May mắn là mình gặp lại Roland, bạn và đồng nghiệp cũ ở AIT là người rất giỏi về thống kê ứng dụng. Do vậy quá trình xử lý số liệu, sàng lọc và tìm ra nhân tố mới rất thuận tiện. Gặp được Christian cũng là một cơ may sau khi mình đọc blog của ông (đó cũng là cái lợi của viết blog!).
- Thứ hai, kiên định và theo đuổi bằng được mục tiêu đề ra. Nếu không có sự kiên trì cộng với niềm đam mê khám phá thì rất khó dành ra cả năm trời để viết, chỉnh sửa, và đệ trình dự án. Chưa nói đến trong quá trình đó, nhiều lúc nản lòng vì khó khăn, nhiều chuyện xen ngang.
- Thứ ba, hợp tác quốc tế đòi hỏi tư duy tôn trọng, bình đẳng, và đóng góp sáng kiến trong tiến trình trao đổi, phối hợp. Có rất nhiều vấn đề ở Việt Nam được các nhà nghiên cứu quan tâm – hay nói cách khác, ở Việt Nam nhìn đâu cũng thấy ‘đề tài nghiên cứu’. Vấn đề còn lại là phát hiện, trao đổi, và chọn lựa cơ hội để biến ý tưởng thành kế hoạch hành động. Quá trình này cần cả hai bên phối hợp: chuyên gia nước ngoài sẽ đóng góp về phương pháp, cách làm, và soạn thảo; chuyên gia trong nước giúp tập hợp, tìm kiếm dữ liệu, phân tích bổ sung các ý tưởng liên quan đến bối cảnh, xu hướng, thực trạng, chọn lọc đối tác…
- Thứ tư, nghiên cứu kỹ càng các yêu cầu, format của hồ sơ đệ trình, bao gồm cả đề cương kỹ thuật (technical proposal) và đề cương tài chính (financial). Nhóm đã sửa đi, sửa lại từng câu chữ, tài liệu trích dẫn, và đúng với format yêu cầu. Ngoài ra kinh phí nghiên cứu cũng phải phù hợp với quy mô, có tham khảo các dự án trước đó.
- Thứ năm, luôn giữ niềm tin tích cực và tìm kiếm cơ hội để hiện thực hoá kết quả hợp tác. Nhóm mình dự kiến nếu không được tài trợ thì toàn bộ ý tưởng nghiên cứu này cũng sẽ được nộp cho quỹ nghiên cứu khác vì với chất lượng, cách tổ chức ý tưởng, và sự chuẩn bị đề án công phu thì khả năng xin được tài trợ là khá cao. Do đó ‘thua keo này, ta bày keo khác’ là châm ngôn mà nhóm luôn hướng đến và cũng nhờ vào niềm đam mê chung, tin tưởng cách làm việc qua quá trình quan hệ lâu dài trước đây.
Cảm ơn tất cả các thành viên nhóm nghiên cứu soạn thảo, các cơ quan và tổ chức đã nhiệt tình hỗ trợ nhóm xây dựng đề án nghiên cứu thành công. Sắp tới, nhóm sẽ tổ chức hội thảo khởi động và chắc chắn sẽ quay lại làm việc với các cơ quan, tổ chức đã gặp mặt để cùng ngồi lại thảo luận lập kế hoạch nhằm đạt được các mục tiêu, kết quả đề ra.
dungo