Được tin GS. Phạm Hoàng Hộ vừa mới qua đời hôm 29.01.2017 (mồng 02 Tết Đinh Dậu) ở Motreal, Canada. Mình chưa hề được gặp mặt hoặc có vinh dự theo học với giáo sư, nhưng mang ơn thầy rất nhiều vì được sử dụng bộ sách ‘Cây cỏ Việt Nam’ của thầy khá nhiều cho công việc. Nhớ những ngày đầu mới vào nghề, mình cũng nhóm bạn tập tành leo núi Bạch Mã và gặp các anh ở phòng khoa học đang định danh tên cây. Lần đầu tiên cả mấy tên mới được sờ mó tận tay bộ ‘Cây cỏ Việt Nam’ in ở Canada, được chia thành 6 tập của thầy mới thấy sức làm việc và tác phong khoa học chính hiệu của một bậc trí thức đời trước. Nhìn lại những bộ sách thực vật xuất bản sau này, rất khó để tìm ra được tác giả nào mà tác phong làm việc, cách viết, cách trích dẫn, và sức làm việc miệt mài như thầy. Sau này, khi bộ CCVN được NXB Trẻ giới thiệu lần đầu vào năm 2000 và in thành 3 tập thì công trình này mới được phổ biến rộng rãi. Tuy vậy bộ sách in trong nước có rất nhiều sai sót và phải đến mấy lần tái bản sau này thì mới được biên tập và chỉnh sửa các lỗi một cách nghiêm túc. Quả thật con đường đến với khoa học và tác phong làm việc như Thầy chắc khó tìm ra người thứ hai tiếp bước – nhất là trên lĩnh vực phân loại thực vật cộng với ý chí quyết tâm để hiện thực hoá bộ dữ liệu tra cứu thực vật cho đất nước. Xin thắp một nén nhang và bày tỏ lòng tôn kính với người Thầy đã tạo lập nền tảng cho hàng loạt các nghiên cứu về phân loại thực vật nước nhà.
dungo
Một số bài viết về giáo sư Phạm Hoàng Hộ được các báo đăng tải:
- Giáo sư Phạm Hoàng Hộ – một vì sao đã tắt (TTTG – 04.02.2017)
- Tưởng nhớ GS. Phạm Hoàng Hộ (Nguyễn Thị Bích Hậu – 03.02.2017)
- Giáo sư Phạm Hoàng Hộ (1929-2017) (tuan’s blog – 02.02.2017)
- Tác giả ‘Cây cỏ Việt Nam’ vừa qua đời (nguoi viet – 02.02.2017)
- GS. Phạm Hoàng Hộ – một người thầy của tôi (MTG – 02.02.2017)