Nghiên cứu chuyển tiếp rừng (Forest transition – FT)

Tuần rồi bận rộn với các thầy từ ĐH Lausanne (UNIL) sang làm việc và khảo sát, viết đề cương dự án nghiên cứu về ‘forest transition’ (FT). Khái niệm này còn mới mẻ và mơ hồ, và do vậy rất khó dịch sát nghĩa với tiếng Việt. Nếu dịch ‘chuyển tiếp’ thì vẫn chưa rõ, mà dịch ‘chuyển đổi’ thì nhiều khi lại nhầm qua conversion thì quá tai hại.

Theo wikipedia, nghĩa của FT bao hàm ‘một quá trình thay đổi từ mất diện tích rừng sang tăng độ che phủ rừng ở một khu vực cụ thể’. Quá trình này liên quan đến cả hai nhóm nhân tố sinh thái và xã hội-kinh tế-chính trị. Về sinh thái, chuyển tiếp rừng bao hàm cả số lượng (diện tích) lẫn chất lượng (thành phần, cấu trúc). Như vậy diện tích rừng tăng lên, giảm xuống cần được khảo sát cả về loại rừng trồng, rừng tự nhiên, thành phần loài, cấu trúc tầng tán, dịch vụ sinh thái rừng cung cấp… Về nhân tố kinh tế-chính trị-xã hội gồm có các nhóm chính sách, thị trường, cách sử dụng. Chẳng hạn chính sách trồng rừng 327, 661 thúc đẩy gia tăng diện tích rừng trồng và tái sinh rừng; chính sách chi trả DVMT rừng giúp cải thiện tình hình bảo vệ rừng thông qua việc chi trả trực tiếp cho các chủ rừng. Ngoài ra, một số nhân tố xã hội khác cũng thúc đẩy tiến trình FT như di cư, giãn dân, xây dựng vùng kinh tế mới hoặc xây dựng các nhà máy thuỷ điện.

Screen Shot 2016-09-05 at 8.21.52 AM

Hai giai đoạn chuyển tiếp rừng (Barbier et al. 2010)

Vùng nghiên cứu dự kiến triển khai chủ yếu ở huyện A Lưới và Nam Đông. A Lưới có các đặc điểm tự nhiên và xã hội khá phù hợp: diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên khá lớn, biến động diện tích thay đổi nhanh, đa dạng các hình thức chi trả DVMT (nhóm hộ, cộng đồng, BQL rừng PH – rừng DD), thành phần dân tộc đa dạng (Tà Ôi, Pako, Katu), và các chính sách liên quan đến thay đổi sử dụng đất đa dạng.

Đa dạng sử dụng đất ở A Roàng (Ảnh: NTD)

Đa dạng sử dụng đất ở A Roàng (Ảnh: NTD)

Dự án nếu được phê duyệt sẽ triển khai từ 3/2017 và kéo dài trong 6 năm. Tài trợ là Quỹ Khoa học Quốc gia Thuỵ Sĩ (SNSF) và Tổ chức Hợp tác phát triển Thuỵ Sĩ (SDC).

dungo

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Research. Bookmark the permalink.