Mấy hôm tham gia vụ đánh giá CCR mới thấy rõ hơn toàn cảnh phối-kết hợp giữa người Việt mình với nhau trong các chương trình đòi hỏi dài hơi, tầm nhìn xa và rộng. Nghĩ đến bác Vương Trí Nhàn với các bài viết về ‘thói hư tật xấu người Việt‘ càng thấy đúng. Người mình rất thích hơn thua, cao thấp trong các sự kiện khi có người Việt với nhau nhưng lại quên mất mục đích, tầm nhìn lâu dài. Nhiều khi cái ‘tôi’ bột phát ra lớn đến nỗi che lấp hết cả những mục tiêu mình cần hướng đến theo ý định. Có hai chuyện mình ‘hóng’ được dọc đường có thể là lời giải thích vì sao tiến độ phát triển của đất nước mình không được thuận lợi và nhanh chóng. Thứ nhất, khi tại vị thì các vị lãnh đạo biết rất nhiều chuyện, và không ít trong số những chuyện đó các bác biết mười mươi sẽ ảnh hưởng đến thế hệ/ con đường phát triển của tương lai. Tuy nhiên vì một lý do tế nhị nào đó (có lẽ do thằng cơ chế!) nên các bác chấp nhận tình trạng ‘coi-như-mình-không-biết’ để bảo toàn ‘ghế’ hiện tại. Do vậy mà nhiều hệ luỵ kéo theo là điều tất yếu, vì ‘ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu’. Cái này mình gọi là bệnh ‘an toàn lao động là trên hết’ (safety first) – chính là biểu ngữ hay trương lên ở các công trường. Hai là, trong nhiều tình huống thì người Việt sẵn sàng ‘thua đủ’ để giữ thể diện cá nhân, trong khi lợi ích của tập thể, của tổ chức thì dường như bị quên khuấy đi mất. Cái này mình gọi là bệnh ‘ăn thua’ = quan trọng là mình ‘ăn’ (thắng) còn tổ chức/tập thể ‘thua’ thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Bệnh này, nói không ngoa, nếu điều tra trên diện rộng có khi đến 95% dân Việt đều mắc phải.
Ôi đồng bào ôi, sao mãi không lớn được nhỉ? (Tản Đà)
Hà Giang 13072016
dungo