(dungo-19.08.2015) Qua thời gian du lịch và trải nghiệm, mình thấy quan niệm về đời sống vật chất, tinh thần và giá trị của sáng tạo dường như rất khác biệt khi so sánh chung giữa nước mình với các nước châu Âu. Ở Việt Nam, mọi người có xu hướng ‘thể hiện’ bằng vật chất nhiều hơn, đặc biệt là liên quan đến cá nhân hơn là cộng đồng, ví dụ xe máy/ô tô xịn, nhà cao to, bàn ghế – phản nằm, tủ rượu… như là một phần của cuộc sống thành đạt (xem thêm Vương Trí Nhàn). Ở bên này, người ta thường coi trọng các giá trị tinh thần và sản phẩm mang tính cộng đồng nhiều hơn. Ví dụ các thành quả về học thuật, sáng tạo, hoặc sản phẩm sáng tạo do cá nhân đạt được như giải Nobel, tranh nghệ thuật, sách văn học; hoặc các công trình kiến trúc, nghệ thuật như nhà thờ, đường phố, công viên, vòi phun nước… Đời sống bên này thiên nhiều về thành quả sáng tạo và lao động bằng chất xám, tư duy, học thuật.
Riêng chuyện nhà cửa và con cái mình thấy có sự khác biệt rõ: Nhà ở Việt Nam mang tính tài sản, sở hữu rất cao; trong khi bên này nhà ở có thể thuê hoặc trả dài hạn 15-20 năm là bình thường. Ở VN nếu nói ra mình đang ở ‘nhà thuê’ thì người nghe (và có thể là đối tác làm việc) rất ngạc nhiên và phần nào có vẻ ‘coi thường’. Ý như họ nghĩ rằng mình không đủ năng lực làm kinh tế để đủ sức mua nhà lâu dài. Về nuôi dạy con cái, người Việt mang tính ‘bảo trợ’ lâu dài, từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, lập gia đình vẫn bấu víu vào cha mẹ (trường hợp có bố mẹ có kinh tế khá giả) hoặc đòi chia tài sản đất đai, nhà cửa khi cha mẹ già yếu. Tư duy như vậy làm cho con cái mang tính dựa dẫm nhiều hơn và càng lười suy nghĩ tìm cách vươn lên, hoặc lười lao động vì đã có sẵn nguồn tiêu xài.
Mình chỉ ước một nơi ở bình thường, không tốn kém/hoang phí quá về vật chất, nhất là ở trong điều kiện lương bổng quá thấp như hiện nay. Cuộc sống hạnh phúc khi các thành viên trong gia đình cùng làm việc, cùng chia sẻ quan niệm sống cơ bản tương tự nhau (giá trị vật chất, giá trị tinh thần, niềm vui lao động, thành quả xã hội) và cùng nhau làm các việc mang tính cộng đồng nhiều hơn. Hưởng thụ vật chất dường như chỉ là bậc thấp nhất trong tiến trình hoàn thiện nhân cách sống của con người, nhưng tiếc thay đó lại là đặc trưng khá phổ biến hiện nay ở xã hội VN mình.
Nhìn lại đời sống xã hội Việt Nam, hầu như các sản phẩm cá nhân đều mang tính hưởng thụ và thực dụng nhiều hơn là sáng tạo. Ví dụ xây dựng nhà/biệt thự riêng, sắm xe ô tô sang, dùng điện thoại xịn, hoặc mặc quần áo, dày dép, kiểu đầu tóc… có vẻ như đời sống mang tính giả tạo nhiều vì phần lớn là ăn theo sáng tạo của người khác. Chẳng hạn nhìn vào các lĩnh vực kinh doanh xe máy, mũ bảo hiểm, và điện thoại di động. Với xe máy, có đủ các món ăn theo như dán keo, lắp các đồ gắn/ốp bên ngoài bảo vệ, cắt logo, làm gương chiếu hậu kiểu cách… Với mũ bảo hiểm thì có vẽ trang trí, gắn diềm hoặc lưỡi trai giả, thay đổi hình dáng… Với điện thoại di động thì dán keo, vẽ hình, vỏ bọc, cài đặt các phần mềm bẻ khoá … Nhìn chung các phần ‘ăn theo’ này thường không giúp ích gì nhiều cho việc thay đổi tính năng hoặc vận hành của sản phẩm gốc mà chỉ ‘mông má’ hình thức theo kiểu lạ mắt, hoặc chỉ đơn giản để kinh doanh theo thị hiếu ngắn hạn của khách hàng. Với cách làm này thì có thể có lợi cho nhóm kinh doanh (dán keo, vẽ hình) tư nhân, nhưng nhìn về lâu dài thì không giúp kích thích tính sáng tạo ở mức cao và nghiêm túc cho các ưu điểm của sản phẩm. Đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập và tạo lập tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế thông qua các sản phẩm mang đặc trưng sáng tạo cao. Đây cũng là một lý giải vì sao WB và OECD đề xuất ‘Việt Nam cần sáng tạo để duy trì tăng trưởng’ (BBC 29/11).
Voltastrasse 18, ZRH