Bà hay vào facebook/Bố mẹ cũng hay vào/Cô chú và các bác/Cũng chả thiếu người nào/Em giận mọi người lắm/Ít thời gian cho em/Mà lại yêu facebook/Hơn trẻ nhỏ yêu kem/Nhưng bé ơi, đâu biết/Mình được mọi người yêu/Hàng ngày ảnh của bé/Thu về like rất nhiều.
(Nguyễn Thế Hoàng Linh)
(TBKTSG) – Thoạt đầu, nhiều người nghĩ rằng viết Facebook là sẽ được khuây khỏa trước cuộc sống quá nặng nề. Nhưng cứ thử nhìn vào bức tranh “tin tức” trên Facebook thời gian qua mà xem. Mọi thứ thật chẳng sáng sủa và bổ dưỡng cho tâm hồn chút nào. Những bàn cãi về thời sự, chính trị, văn hóa, lối sống cho đến những quan điểm cực kỳ ất ơ tủn mủn kiểu như sự hay dở của một bộ phim, sự hơn thua của một trận bóng, sự vừa miệng hay không của một tô bún bò, ly cà phê đầu hẻm… cũng được khoác lên màu sắc quan điểm.
Và tất cả đều có thể “xé ra to” khiến cho mọi việc diễn biến phức tạp. Phần lớn, người ta trở nên đẹp đẽ, đáo để, thông minh vượt trội nhưng cũng kém bao dung, độc đoán hơn trong những giao tiếp ở trên mạng xã hội.
Chưa nói, cái cơ chế tiếp nhận thông tin ào ạt như một loài ăn tạp không biết dừng đã khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của một đời sống thông tin thượng vàng hạ cám. Cuộc sống của những người này bị lệ thuộc bởi hai thứ: 1/ áp lực tạo ra thông tin sao cho người khác yêu thích và đồng tình; 2/ không thể sống thiếu những thông tin kể cả thông tin vặt vãnh nằm ngoài đời sống của mình. Có những người lúc nào cũng dán mắt trên mạng xã hội chỉ để thỏa mãn cảm giác mình tốt đẹp trong mắt người khác thế nào và ảo giác rằng mình đã nắm bắt, hiểu biết về người khác ra sao.
Rõ ràng điều đó cũng không phải lỗi từ mạng xã hội. Mà bản chất nằm ở chỗ con người đang sống sao trong thời đại công nghệ thông tin, mỗi người đang làm gì với cuộc đời của mình. Sức quyến rũ và sau đó, áp lực của thông tin là rất lớn. Bản năng muốn hiểu biết càng nhiều càng tốt về tha nhân, về ngoại giới là muôn thuở.
Nhưng điểm dừng của bản năng đó là ở đâu, liệu ta có thể chủ động được không lại là một chuyện khác. Thử hỏi, ta có thể hiểu hết một con người chỉ thông qua những chuyện tốt đẹp người ấy phơi bày trên Facebook (có ảnh minh họa) về đời sống của người đó hàng ngày? Liệu những cảm xúc, hình ảnh ăn gì ở quán nào, xem phim gì ở rạp nào, đọc sách gì ở đâu, đi tắm biển mặc đồ gì hay gặp gỡ những ai,… có đủ để mô tả toàn bộ thế giới đời sống của chính ta?
Sau một thời gian hồ hởi đón nhận Facebook, đã có những người lặng lẽ rời xa nó, hoặc lùi khỏi nó, sử dụng nó như một phương tiện thăm dò dư luận đời sống để phục vụ cho một loại công việc đặc thù nào đó. Đó là khi người ta hiểu ra sự công cộng hóa thông tin cá nhân đã trở nên thật sự nhàm chán và hời hợt, nó chẳng phản ánh được gì về đời sống nội tại của một con người. Đó là khi người đó hoài nghi với sự trăm nhà đua tiếng, trăm hoa đua nở trên thế giới mạng và thấy được tính tương phản của chúng đối với đời sống thực.
Con người cần chạm vào nhau thực sự và chân thành hơn chứ không chỉ loay hoay bảo vệ cái ngã của mình. Có một bài thơ thiếu nhi của thi sĩ Nguyễn Thế Hoàng Linh trong tập Ra vườn nhặt nắng đầy trong trẻo tinh tế nhưng xem ra cũng đượm buồn về một thế giới mọi thứ tương tác của con người – kể cả tình yêu thương – cũng không còn trực tiếp:
Bà hay vào facebook/Bố mẹ cũng hay vào/Cô chú và các bác/Cũng chả thiếu người nào/Em giận mọi người lắm/Ít thời gian cho em/Mà lại yêu facebook/Hơn trẻ nhỏ yêu kem/Nhưng bé ơi, đâu biết/Mình được mọi người yêu/Hàng ngày ảnh của bé/Thu về like rất nhiều.
Dư âm buồn của một bài thơ nhỏ có giúp ta phản tỉnh về một lối sống háo thông tin nhưng thiếu vắng những cảm nhận chân thành?
Một chuyện coi bộ ngẩn ngơ nhưng hóa ra là có thật: thời gian qua, nhiều nhà sách ở Việt Nam xuất bản những bộ sách tô màu dành cho người lớn. Dĩ nhiên, sách tô màu cho người lớn thì phải khác sách tô màu cho trẻ em, ở chỗ: họa tiết sẽ phong phú hơn, những hình vẽ chi tiết đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo cao hơn. Nhưng suy cho cùng, chúng lại giống sách tô màu cho trẻ con ở chỗ luyện cách tập trung vào việc của mình, không bị “nhảy nhót” với đủ thứ chung quanh. Chỉ ngồi một chỗ tập trung hoàn thành một bức tranh, đôi khi chỉ là bức tranh vẽ một cái lá hay một con chim mà nếu vào photoshop thì chỉ mất ba mươi giây là có. Vậy mà chuyện người lớn tô màu đã trở thành một hiện tượng trên toàn cầu, một trào lưu. Khi phát hành cuốn sách tô màu cho người lớn có tựa Vương quốc muôn loài của Millie Marotta (cuốn này đã được dịch 20 thứ tiếng và bán ra 500.000 bản ở Anh Quốc), một đại diện Nhã Nam – đơn vị độc quyền phát hành tại Việt Nam – nói đại ý rằng, thị trường tại Việt Nam khá lạc quan với dòng sách mang tính “trị liệu” này.
Nhưng đó cũng chỉ là một trong những cách thế giúp chính những người trưởng thành trong thời buổi thông tin xao nhãng này luyện cách tập trung và tìm thấy quân bình trong đời sống, chạm vào đời sống ngay từ những việc tưởng rằng họ đã làm rất tốt từ khi còn là một đứa trẻ thơ. Ngoài ra sẽ còn một vài cách thế khác, giản đơn hơn mà ai cũng có thể làm được nếu quyết tâm và có… dũng khí để chống lại thói quen của mình, như: deactivate (vô hiệu hóa tài khoản) Facebook vài ngày để sống trọn vẹn với những người thân yêu.