Nhà văn Nguyễn Đông Thức vừa có chuyến du lịch sang Mỹ gần một tháng. Nói là đi chơi nhưng ông không quên “gặp ai cũng xin tiền”. Lúc đầu ông “xin” nhưng sau đó bà con kiều bào thấy ông là tự động móc túi đưa luôn. Tất cả số tiền nhà văn Nguyễn Đông Thức “cái bang” bên Mỹ sẽ được ông dành tặng học sinh nghèo. Dự kiến, vào ngày 11/5 này, nhà văn sẽ có chuyến phát học bổng cho sinh nghèo hiếu học tại huyện Củ Chi.
Của ít lòng nhiều
Nhà văn Nguyễn Đông Thức kể chuyến đi làm “cái bang” bên Mỹ của ông: “Tôi đi du lịch Mỹ! Quyết định ở lại hai tuần để thăm bà con, bạn bè. Bỗng tôi có ý nghĩ, sao không… xin tiền những người này, được đồng nào hay đồng đó, đem về làm học bổng cho trẻ em nghèo ở các vùng quê Việt Nam, trong chương trình mà tôi cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền và các bạn đang làm suốt ba năm qua. Nghĩ là làm!”.
“Nạn nhơn” đầu tiên của nhà văn là ông bạn Facebook lần đầu mới gặp: Đảo Mộng Sơn. Nhà văn kể: “Ông ở Irvine, một trong những thành phố đáng sống nhất Cali. Ngày 10/4, nghe tôi qua, ông liền lái xe hơn chục cây số tìm tới nhà chở tôi đi nhậu, xong mời về nhà chơi, chở đi tiệm rượu mua tặng chai XO, chu đáo mở hộc xe lấy chai dầu thơm Coach ra “tặngchị”, xong còn mời đi tiếp uống cà phê… Vậy mà tôi nỡ lòng nào e hèm rồi… xin tiền luôn! Ông tỉnh bơ lái xe không nói tiếng nào, làm tôi vừa lo vừa quê, nào ngờ đến tiệm cà phê ông mới nhẹ nhàng móc bóp, “dân ở đây ra đường ít cầm tiền mặt, anh cầm đỡ 100”.
“Nạn nhơn cuối cùng” là Mỹ Hà, một cô cựu đồng đội TNXP với nhà văn. Cô Mỹ Hà ngày xưa nhỏ xíu, nhút nhát, chậm chạp, giờ làm cho một hãng chuyên làm… vũ khí (vì vậy mà cô không dám chơi Facebook vì sợ lộ bí mật). “Tiễn tôi ra sân bay về nước, cô dúi vào túi tôi 100: “Của ít lòng nhiều nha anh, bên đây em cũng làm thiện nguyện thường xuyên. Em tin anh”. Cô này thì tôi lại không hề vận động tiếng nào” – nhà văn kể.
Nhà văn nói vui: “Thật ra chỉ trừ vài người đầu, khúc sau hầu như ai gặp cũng đều tự động đưa khi gặp ánh mắt mang hình “bị gậy” của tôi, đó chính là hiệu quả của Facebook, khi tôi cập nhật hàng ngày số tiền xin được. Người 50 kẻ 100-200-500, nhiều người đã biết việc tôi cùng bạn bè đang làm và muốn được góp tấm lòng của mình vào đó. Anh Diem Vo ở tận San Diego lái chiếc Jeep lên đưa 50. Bạn Diệp Thuý, một bạn FB ở tận Atlanta, gửi 200 vào tài khoản một bạn khác ở Dallas, đón đường tôi tới để giao. Chị Yen Ly (Santa Ana) chị VyTruonggia (San Jose) đang bệnh nan y vào ra bệnh viện như cơm bữa, vẫn đóng góp… Chưa hết, cả gia đình chị cả tôi ở San Jose, gồm chị và ba đứa con, đóng luôn 1.000! Cô “mối tình đầu” ở Las Vegas, cũng không thoát: 200. Ha ha, quân pháp bất vị thân!”.
“Tôi biết ai cũng có nhà đẹp xe hơi đẹp, nhưng ai cũng đang là con nợ của nước Mỹ, sáu mươi mấy tuổi vẫn phải đi cày trần thân! Bởi vậy càng quý hơn những tấm lòng! Sau gần một tháng vừa đi chơi vừa đi xin ở Mỹ, tổng cộng tôi đã xin được 3.700 đô-la và một máy laptop Acer cho học trò nghèo Việt Nam” – nhà văn tổng kết chuyến “bị gậy” bên Mỹ của ông.
“Cái bang” minh bạch
Trong gần ba năm nay, nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức cùng nhau đi trao học bổng hết miền Nam tính từ vĩ tuyến 17 trở vào. Tôi có dịp đi nhiều chuyến với hai ông bằng phương tiện trở thành tên gọi của công việc nhân văn này: “Môtô học bổng”.
Ý nghĩa ban đầu của công việc này thật đơn giản, nói như nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Từ năm 45 tuổi tôi đã bị thoái hóa khớp nặng và thay cả hai khớp chân, sau đó 13 năm lại phải thay lần nữa! Chân tôi rất yếu vậy mà cứ thích đi, bệnh thích di chuyển đã có từ trẻ, nhờ vậy mà ngay từ tháng 7-1975 đã xách ba-lô đi TNXP thật nhẹ nhàng! Những năm làm tòa soạn báo quá bận rộn, không đi được mấy, tôi như bị cuồng chân. Vừa về hưu là đã muốn thực hiện ngay mơ ước từng có từ lâu là đi xuyên Việt bằng xe môtô, mà phải là các vùng sâu vùng xa đói nghèo vất vả. Vợ và các bạn gái chẳng ai thích đi kiểu đó, đành phải rủ ông Biền cũng mới về hưu. Hai đứa chợt nghĩ nếu có ít tiền cầm theo để cho mấy đứa nhỏ con nhà nghèo ở khắp nơi thì… nhất cử lưỡng tiện. Thế là đi xin bạn bè giúp mỗi người một tay”.
Điểm đến đầu tiên mà hai ông nhà văn chọn là 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhà văn Nguyễn Đông Thức chân yếu chở nhà văn Đoàn Thạch Biền – cũng không mạnh khỏe gì vì có nhiều thứ bệnh của tuổi tác – trên một chiếc môtô. Nơi hai ông đến là xã nghèo nhất của huyện nghèo nhất và những đứa trẻ nghèo nhất của những gia đình nghèo nhất. Người ta thường nói đến những cái nhất, nhưng cái nhất của đói nghèo, nếu tận mắt thấy thì trở nên… buồn nhất.
Tôi đã đi với hai ông một vài điểm ở đồng bằng. Có đi mới thấy vựa lúa của cả nước mênh mông, tôm cá ê hề, cây trái xum xuê, nhưng không hiểu sao cái nghèo vẫn cứ đeo bám phần lớn người dân nơi đây như là truyền kiếp. Ra khỏi các trung tâm đô thị chừng vài cây số đã thấy cảnh nghèo với những mảnh đời sống tạm bợ trong các ngôi nhà lá hiu hiu buồn như một bài vọng cổ được hát đi hát lại hết thế hệ này sang thế hệ khác.
Hỏi nhà văn Nguyễn Đông Thức rút ra được điều gì sau hai năm đi làm chuyện “bao đồng”? Ông chậc lưỡi thở dài: “Điều rút ra sau hai năm đi trao học bổng là… dân mình còn nghèo quá, nghèo đến mức không tận mắt thấy thì có khi không tưởng tượng được! Thật là buồn! Buồn đến nỗi ông Biền thường phát sinh… tiêu cực, nói thôi đừng đi nữa, vì chỉ như muối bỏ biển, chẳng giải quyết được gì đâu! Nhưng rồi cứ coi lại mấy tấm ảnh, nhìn ánh mắt mừng vui, nụ cười rạng rỡ của các cháu, là lại muốn khăn gói lên đường!”.
Một lần, tôi đi cùng hai ông đến một trường tiểu học ở Tây Ninh giáp biên giới Campuchia. Khi các ông phát học bổng thì tôi ngồi với các cháu bên dưới. Bọn trò nhỏ đem nhẻm cầm cái phong bì hỏi nhau về tờ tiền bên trong là tiền thật hay tiền giả. Có lẽ, các em chưa bao giờ thấy tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng, vì cha mẹ các em mấy khi có nhiều tiền để đếm trước mặt con mình.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức, cho biết: “Cứ có đủ khoảng 20 triệu cho 40 cháu của một trường vùng sâu thì lên đường. Vậy mà đến nay cũng đã tặng được gần cả tỷ đồng chưa tính quà bánh, sách vở cho các cháu. Nhưng tất cả vẫn như muối bỏ vào biển nghèo mênh mông”.
Việc “bao đồng” của hai ông nhà văn “già gân” tuy như muối bỏ biển, song đã tác động được rất nhiều người, nhất là bạn bè thân quen. Để vận động được nguồn tiền cho công việc này không gì hơn ngoài hai từ: minh bạch. Khi minh bạch mọi thứ, lập tức sẽ nhận được sự ủng hộ cũng rất vô tư của mọi người. Nhà văn Nguyễn Đông Thức nói: “Dân ta làm việc nghĩa đơn giản và dễ dàng, nhất là khi đã thấy tin cậy. Đã làm công tác xã hội thì phải công khai, minh bạch đến từng xu, đó là điều chúng tôi tự hiểu ngay từ đầu”.
Sự ủng hộ vô tư của nhiều người cho công việc “bao đồng” của hai ông nhà văn “già gân” tôi chứng kiến nhiều lần. Chẳng hạn, khi đang ngồi với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm, tôi lướt facebook thấy nhà văn Nguyễn Đông Thức than còn thiếu hơn 4 triệu đồng cho chuyến đi sắp tới. Tôi nói điều này với anh Nguyễn Hữu Khiêm, lập tức anh Khiêm rút ví đưa tôi 5 triệu nhờ chuyển đến nhà văn Nguyễn Đông Thức, dù anh chỉ biết nhà văn trên tác phẩm. Hỏi anh Khiêm sao rút tiền nhanh vậy mà không đắn đo, anh nói anh mới nhận lương tuy không nhiều nhưng sẵn sàng sẻ chia. Đúng là, “dân ta làm việc nghĩa đơn giản và dễ dàng, nhất là khi đã thấy tin cậy”.
Xin nói thêm về việc “bao đồng” này của hai ông nhà văn còn có sự đồng hành thường trực của NXB Trẻ. Gần như tất cả các chuyến đi, NXB Trẻ đều nhờ hai ông tặng vài thùng sách cho các trường học. Anh Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ khi rảnh việc còn trực tiếp lái xe chở sách chạy theo hai ông. Người đồng hành dễ thương nhất mà không bao giờ muốn lộ diện là anh Trần Phan Thanh Dũng. Giới showbiz biết đến anh với “nick name” Dũng Pro chuyên lo các thiết bị sân khấu, âm thanh và ánh sáng. Dù việc bận ngập đầu anh Dũng luôn tình nguyện lái xe hơi đưa hai ông nhà văn đến tận nơi. Bây giờ, khi sức khỏe của tuổi đời chồng chất không cho phép hai ông “phượt” môtô như trước, song hai ông vẫn cố gắng thực hiện việc “bao đồng” đến cùng. Cuộc sống cần những người “cái bang” và “bao đồng” như thế.
TRẦN HOÀNG NHÂN (Đại Đoàn kết)