Học thuật ngữ Việt-Anh qua luật đất đai 2013

Nhân đọc tài liệu chuẩn bị cho bài “Vai trò của chính quyền địa phương trong quá trình thu hồi đất” ở hội thảo LANDac sắp tới, mình mới tìm hiểu kỹ thêm về các thuật ngữ sử dụng trong Luật đất đai 2013. Đọc rồi mới thấy nhiều thông tin lý thú mà trước đây chưa hề biết cả về nội dung lẫn cách chuyển ngữ sang tiếng Anh. Một vài ví dụ:

– Quy hoạch sử dụng đất & Kế hoạch sử dụng đất khác nhau thế nào? dịch sang tiếng Anh làm sao?

– Các thuật ngữ thường nghe nhưng nội dung cụ thể thế nào? chẳng hạn: kiểm kê đất đai, định giá đất, giải toả và đền bù, thu hồi, trưng dụng… (chưa nói đến phần dịch sang tiếng Anh lại càng rối).

Qua tìm hiểu mới thấy quy trình thu hồi đất (land acquisition/recovery) thấy khá rắc rối, đặc biệt là hầu như mang tính áp đặt (top-down) khá nhiều. Phần lớn là do chủ đầu tư xác định trước, sau đó lập các hồ sơ theo quy định và trình cho Sở TNMT xem để tham mưu cho các cấp chính quyền (tỉnh/huyện) ra quyết định thu hồi. Phần hổng lớn nhất là hầu như phản biện về dự án của chủ đầu tư ít công khai, và không có nhiều đơn vị phản biện dân sự (ngoài nhà nước) tham gia. Do đó, gần như các dự án đầu tư thường là được phê duyệt (phải trên 90%) và ít khi đả động nhiều đến khía cạnh tác động kinh tế – xã hội – môi trường, đặc biệt là với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp. Rất nhiều ví dụ hiện nay liên quan đến các tác động này, và cũng là nguyên nhân phần lớn gây ra các vụ khiếu kiện về giải toả, đền bù, hỗ trợ sau khi thu hồi.

Một điểm khác là quy trình thu hồi thực ra rất chặt chẽ, nhưng trong thực tế thể hiện lại dường như không quá khó khăn đối với các chủ dự án đầu tư. Ví dụ: Trong quy định của Luật thì thu hồi đất chỉ được áp dụng khi thuộc vào 1 trong 4 nhóm lý do sau (i) quốc phòng – an ninh, (ii) phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia – công cộng, (iii) do vi phạm pháp luật về đất đai, và (iv) do hết thời hạn theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, hoặc đất đai (bị ô nhiễm) có nguy cơ đe doạ tính mạng con người (Điều 61, 62, 64, 65). Thẩm quyền thu hồi thuộc hai cấp là UBND tỉnh và huyện tuỳ thuộc vào đất đai bị thu hồi là của cá nhân, tổ chức, tôn giáo, Việt kiều… Đáng bàn nhất là nhóm lý do thứ (ii) thuộc các dự án ‘phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia và công cộng’. Các dự án này phải được một trong 3 thiết chế luật phê duyệt là (i) Quốc hội, (ii) Thủ tướng, và (iii) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Như vậy với các dự án như Thuỷ điện, xây dựng khu đô thị mới, hay làm đường giao thông, lắp đặt công trình giải trí vui chơi… ở tỉnh thì phải được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, các dự án này cần phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của từng huyện (vốn đã được phê duyệt theo 5 năm) và kế hoạch sử dụng đất từng năm.

Nghĩ thì phức tạp như vậy, nhưng trong thực tế hình như vẫn là .. con voi chui lọt lỗ kim! Sao mà các nhà đầu tư lọt được qua nhiều khâu giấy tờ, phê duyệt, kinh phí đền bù, họp hành … đến là tài?

Để tiện sử dụng sau này, mình ghép bản gốc Luật và bản dịch tiếng Anh thành một file post ở đây. Bản dịch của Trung tâm xúc tiến Thương mại & Đầu tư (ITPC) TP HCM khá chuẩn, chỉ có một vài sai sót nhỏ không đáng kể. Sau này khi cần tìm thuật ngữ liên quan thì quay lại tham khảo nhanh hơn là phải vào tra từ điển mà đôi khi không chính xác do dịch trong bối cảnh thuật ngữ về luật.

dungo

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in QLTNTN. Bookmark the permalink.