Mặc dù chúng ta không có giải pháp thần kỳ nào để ngay lập tức xoá bỏ nghèo đói (thuốc trị bách bệnh), chúng ta vẫn biết một số cách thức nhằm cải thiện đời sống của người nghèo. Đặc biệt có 5 bài học căn bản sau:
Thứ nhất, người nghèo thường thiếu thông tin và tin vào nhiều điều không có thật. Họ không chắc rằng tiêm chủng sẽ mang lại lợi ích cho trẻ em; họ nghĩ rằng những gì được học trong những năm đầu tiên không có mấy giá trị; hay họ không biết cách thức dễ bị lây nhiễm HIV nhất là gì. Khi niềm tin cố hữu lâu nay trong họ đặt sai chỗ, họ thường có các quyết định sai lầm và đôi khi mang lại hậu quả lớn. Ngay cả khi họ hiểu rằng họ không biết, việc thiếu niềm tin cũng sẽ mang lại thảm hoạ.
Thứ hai, người nghèo thường gánh trách nhiệm cho quá nhiều vấn đề trong cuộc sống của họ. (Dường như) Khi bạn giàu có hơn, càng có nhiều quyền lợi ‘ưu ái’ hơn dành cho bạn. Người nghèo không có nước máy để dùng, và do vậy không hưởng lợi gì từ việc khử trùng nước (chlorine) mà thành phố áp dụng cho hệ thống cấp nước. Nếu người nghèo muốn nuống nước sạch, họ phải tự mình lọc lấy nước uống. Họ không thể trả nổi các bữa ăn sáng bằng ngũ cốc chất lượng nên phải tự xoay xở sao cho bữa ăn của họ và con cái có đủ chất cần thiết.
Thứ ba, có đủ lý do để giải thích việc thiếu thị trường cho người nghèo, hoặc người nghèo không thể tiếp cận mức giá thoả đáng. Người nghèo thường luôn chịu lỗ (lãi suất âm) với các khoản tiết kiệm (nếu họ may mắn có được tài khoản này) và thường phải trả lãi suất cao cho các khoản vay (nếu họ được vay) bởi giao dịch dù chỉ một khoản tiền nhỏ cũng cần phải trả một mức phí nhất định.
Thứ tư, các nước nghèo luôn phải gánh chịu thất bại không phải vì họ nghèo hay vì thiếu hoàn cảnh may mắn. Sự thật là nhiều thứ không vận hành được ở các nước này: các chương trình giúp người nghèo thường chọn sai đối tượng, giáo viên dạy một cách rời rạc hoặc không có nội dung, đường giao thông chóng hỏng do bớt xén vật liệu hoặc xe quá tải, v..v.. Nhưng những sai sót kể trên không liên quan nhiều đến các âm mưu bè phái nhằm giữ quyền lợi kinh tế cho các nhóm lợi ích, mà chủ yếu liên quan đến những thiếu sót có thể tránh được trong khi thiết kế các chính sách và luôn gắn liền với 3 điểm chung thường gặp đó là: thiếu kiến thức, ý thức hệ, và trạng thái trì trệ.
Thứ năm, kỳ vọng về những gì con người có thể/không thể làm thường luôn kết thúc theo hiệu ứng ‘tiên đoán tự thành hiện thực’ (Hiệu ứng Pygmalion* hay ‘self-fulfilling prophecy’). Trẻ con bỏ học do giáo viên (đôi khi là phụ huynh) cho rằng chúng không đủ thông minh để theo hết chương trình; người bán hoa quả không cố gắng trả nợ bởi họ cho rằng trước sau gì cũng quay lại cảnh nợ nần; y tá không đi làm bởi không ai trông mong họ đến; chính khách không có động lực để cải thiện đời sống người dân do không ai đặt kỳ vọng vào khả năng của họ. Thay đổi kỳ vọng không dễ chút nào, nhưng không phải là điều không thể làm.
Lược trích từ “Poor Economics: Barefoot Hedge Fund Managers, DIY Doctors and Surprising Truth about Life on Less than $1 a Day” của Abhijit Banerjee và Esther Duflo (Penguin Books, 29/3/2012)
dungo – 14.05.2015
* Giải thích thêm về hiệu ứng Pygmalion:
Hiệu ứng Pygmalion hay còn gọi là Self-fulfilling prophecy (lời tiên đoán tự trở thành hiện thực) được xem như một bí quyết quan trọng trong quản lý nhân sự. Nếu một người (hoặc chính ta) nghĩ ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, họ sẽ đối xử với ta theo cách mà họ nghĩ. Nếu ta được đối xử như thể ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, ta sẽ hành xử, và thậm chí trở thành như thế. Do vậy, những “tiên cảm” ban đầu của người đó về ta đã trở thành hiện thực! Tóm lại, một khi ý niệm đã hình thành, thậm chí ngay cả khi nó không đúng với thực tế, chúng ta vẫn có khuynh hướng hành xử theo đó. Và kỳ diệu thay, kết quả sẽ xảy ra đúng theo kỳ vọng đó, như thể có phép lạ!
Hiệu ứng Pygmalion được diễn giải qua bốn quá trình sau:
– Chúng ta hình thành kỳ vọng về con người hay sự kiện
– Chúng ta thể hiện kỳ vọng đó qua những tín hiệu giao tiếp, đối đãi…
– Người ta có khuynh hướng đáp lại những tín hiệu đó bằng cách điều chỉnh cách cư xử của họ cho phù hợp
– Kết quả là kỳ vọng ban đầu trở thành hiện thực
Kết quả trở lại tác động vào kỳ vọng ban đầu, tăng cường niềm tin vào những điều chúng ta đã nghĩ về con người/sự kiện đó. Bốn quá trình trên đây tạo nên vòng tròn cho “lời tiên đoán tự trở thành hiện thực” (the circle of self-fulfilling prophecies). Vòng lặp càng “quay” lại nhiều càng làm tăng cường ảnh hưởng của nó. Điều này cũng giải thích phần nào cơ sở tâm lý cho “phép lạ” trong bí quyết luật hấp dẫn (The Secret – Law of Attraction): những suy nghĩ lạc quan, tích cực sẽ thu hút đến quanh ta những may mắn, hạnh phúc và ngược lại, những suy nghĩ bi quan, tiêu cực thường dẫn đến những hậu quả tuyệt vọng, “xui rủi” như một dạng tự kỷ ám thị.
Nguồn: Thuỳ Dương (Đọt chuối non)