Phát minh đến từ đâu?

Một bài báo thú vị của Scheffer và cộng sự vừa đăng trên tạp chí E&S 20 (2015) có tiêu đề “Dual thinking for scientists”. Bài lý giải căn nguyên của các phát minh nổi tiếng. Nhờ sự hoạt động song hành của hệ thống tư duy đúp (dual thinking systems) của các nhà khoa học mà những sản phẩm mang tính sáng tạo được phát kiến. Theo bài báo, hệ thống I (hệ trực giác – intution) thường giúp phát hiện ra các ý tưởng mới một cách nhanh chóng nhưng cũng dễ mắc sai sót. Hệ thống II (hệ lập luận – reasoning) thường diễn ra chậm hơn và giúp kiểm tra, điều chỉnh kết quả phát hiện ở hệ I.

Mặc dù nghiên cứu khoa học thường lấy việc tư duy làm trọng tâm, nhưng trên thực tế hầu như các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật… phần lớn chỉ tập trung vào thúc đẩy hệ II (hệ lập luận). Điểm thú vị ở chỗ bài báo cho rằng để có được nhiều tiến bộ hơn trong nghiên cứu khoa học, nhất thiết lcần phải tạo ra những điều kiện/hoàn cảnh để kích thích hệ I (trực giác) phát triển. Các hoạt động có thể bao gồm việc giao tiếp ngoài giờ chuyên môn, hướng dẫn kỹ năng tự khám phá, hoặc vận dụng nghệ thuật trong các hoạt động thường ngày. Việc lồng ghép các hoạt động này thường gặp khó khăn do định kiến hiện nay cho rằng đó là các hoạt động làm trì hoãn hơn là thúc đẩy công việc. Do đó cần có những nỗ lực kiên trì để thúc đẩy các hoạt động này nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của hệ I, từ đó giúp tạo ra những phát minh đột phá và sáng tạo hơn trong khoa học và ứng dụng.

Như vậy những hoạt động ngoài giờ và không liên quan đến nghiên cứu như nghe nhạc, uống cafe, thảo luận về một đề tài trong cuộc sống, hay du lịch khám phá thiên nhiên… đều là những nguồn cảm hứng mang lại các ý tưởng nghiên cứu mới mẻ và độc đáo. Việc phát triển các hoạt động này cần được khuyến khích ở trường, gia đình, và cả ngoài xã hội. Không chỉ dành cho giới nghiên cứu học thuật, bài báo này còn mở ra một nhận định quan trọng trong thiết kế các chương trình giáo dục học đường: việc học luôn phải gắn liền với các hoạt động ngoại khoá, xã hội, và giao tiếp giữa con người. Như vậy, thiết kế chương trình dạy và học sao cho kích thích phát triển được cả hai hệ thống tư duy I (trực giác) và II (lập luận) mới thực sực được gọi là hệ thống giáo dục tiên tiến.

Tải bản đầy đủ tại đây.

dungo

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Luncead. Bookmark the permalink.