Đọc bài của GS Tuấn mới hiểu thêm về khái niệm ‘academic narcissism’ (tự hãnh diện – tự sướng kiểu selfie). Một thời, tôi có anh bạn khoe đã được ghi tên vào cuốn ‘Who is who’, thậm chí còn được gọi là ‘Một trong 2000 nhà khoa học xuất sắc của TK 21’. Mình chỉ cười nhưng quả thật khó giải thích khi người ta đang ở ‘trên mây’ thì tốt nhất không nên báng bổ (có khi lại bị hiểu nhầm là ganh tị). Thực ra ở VN loại hình này khá nhiều trong thời gian gần đây. Một ví dụ rõ nhất đó là các bài viết ca ngợi những tấm gương người làm khoa học. Thông tin về tác giả, học hành.. thì không có gì sai, nhưng ‘bốc thơm’ về các công trình của họ lên quá thì cũng như tiếp thêm liều heroin giúp họ sớm lên tới đỉnh cao của sự ‘tự sướng’ (narcissism). Đã làm khoa học thì hãy để các công trình tự nói lên giá trị và chỗ đứng trong cộng đồng. Hơn nữa, ý nghĩa của các công trình không phải ai cũng có thể hiểu và đánh giá đúng giá trị. Nhiều tác giả rất tự hào khi thấy được nêu tên trong sách, và thường dẫn link về cơ quan hay của site cá nhân. Trước đây GS Tuấn có bài lý giải vì sao người VN thích danh xưng. Một bài khác cũng thử giải thích vì sao ở mình hay dùng từ ‘nhà + nghiên cứu, giáo, văn, thơ, x học’ (sao không dùng từ ‘lều’ nhỉ!). Mình nghĩ đây cũng chỉ là một hệ quả của căn bệnh tuyên truyền vốn đã nhiễm quá lâu vào người VN – ít khi so sánh và nhìn ra thế giới quanh ta, mà chỉ tự đóng cửa và khen nhau để được thoả mãn cơn khát danh hiệu vốn đang giúp khoả lấp sự thua kém đồng nghiệp trên đấu trường quốc tế (dungo).
(NVT) Nhân dịp thấy một người viết trong CV là được giải thưởng “Who is Who” làm tôi nhớ đến một bài tôi viết cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn có lẽ hơn 10 năm trước. Thời đó, rất nhiều báo chí VN phấn khởi đưa tin rằng có một vị giáo sư ở Hà Nội được bầu làm một trong những bộ óc vĩ đại của thế kỉ 20, và thế là có người hỏi tôi thực hư ra sao. Tôi giải thích trong bài đó rằng những danh xưng như “Who is Who”, “Viện sĩ Viện hàn lâm New York”, v.v. là những thương vụ làm tiền của các công ti Mĩ. Các công ti này rất thành công trong việc bán những danh xưng như thế cho những người thích trang trí lí lịch khoa học. Nhưng họ không biết rằng giới khoa học thứ thiệt nhìn những CV như thế thì họ chỉ cười mỉm (cho sự ngây thơ của đương sự).
Một cách ngắn gọn: những danh xưng kiểu “Who is Who” (có nhiều loại này lắm) chẳng có giá trị học thuật gì cả. Nó chỉ là một sản phẩm của bọn buôn danh bán tước. Những khách hàng của các công ti này thường là những người hoặc là chưa am hiểu khoa học, hoặc là bất tài nhưng hám danh, hoặc cả hai.
Trong khoa học, người ta gọi đó là “academics’ narcissism.” Chúng ta biết rằng Narcissus là một nhân vật thần thoại Hi Lạp, người cảm thấy yêu mến cái hình ảnh của chính anh ta. Anh ta thích soi mình trong cái hồ nước để thấy mình … đẹp trai. Ngày nay, narcissism được xem là một hội chứng rối loạn nhân cách. Người có hội chứng academics’ narcissism thường thấy mình rất vĩ đại, rất quan trọng, lừng danh thế giới, có tài kinh bang tế thế, và mỗi lời mình nói ra là wisdom cho thiên hạ noi theo. Họ thích được xưng tụng, và không ngần ngại tự mình ca ngợi mình. Đây là loại người rất lí tưởng cho các công ti buôn danh bán tước như Who is Who. Báo chí Mĩ đã nhiều lần cảnh báo những thương vụ này (1,2), nhưng các công ti này vẫn có thị trường, chủ yếu là từ giới academics’ narcissism. Có báo còn chơi chữ một cách mỉa mai là “The Hall of Lame” thì đủ biết nó dỏm như thế nào!
Kể một chuyện xưa để các bạn nghe qua cho biết và tự cảnh giác. Sáng hôm đó một nghiên cứu sinh trong lab tôi (nguyên là bác sĩ chuyên khoa nội tiết) gõ cửa office tôi vui vẻ nói cô được “Who is Who in Medicine” chọn để đưa tiểu sử và công trình của cô vào sách. Cái “Who is Who in Medicine” này thậm chí còn gửi hẳn một mẫu giấy chứng chỉ rất đẹp (giấy cứng) in tên cô một cách trang trọng. Cô hỏi tôi có nên báo cho Viện biết là mình vừa nhận được một vinh dự? Tôi cũng có kinh nghiệm vụ này (vì hồi xưa tôi cũng nằm trong tình thế của cô ấy và được thầy giải thích), nên bảo cô ngồi xuống và giải thích câu chuyện đằng sau cái “vinh dự” này.
Nói một cách ngắn gọn đó chỉ là một mánh khóe làm tiền rất hay của một số công ti bên Mĩ. Họ hiểu được và khai thác triệt để tâm lí của giới trẻ mới vào khoa học (muốn lưu danh hậu thế) để làm tiền. Hằng năm, mấy công ti này truy tìm trong các tập san khoa học để tìm các tác giả mới xuất hiện. Họ thừa biết đây là những nghiên cứu sinh đang làm tiến sĩ hay thạc sĩ, và chưa có kinh nghiệm nên dễ bị gạt. Khi thấy có tên tác giả mới, họ bèn gửi một lá thư cho tác giả, thường có nội dung đại khái như “Chúng tôi hân hạnh báo tin cho bạn biết rằng bạn đã được một hội đồng khoa học bình chọn làm nhân vật xuất sắc trong năm qua đóng góp của bạn cho ngành XYZ. Chúng tôi xin thành thật chúc mừng bạn. Để vinh danh bạn, chúng tôi muốn đưa tiểu sử bạn vào kỉ yếu ABC. blah blah blah ….” Nếu đương sự ok, họ làm thủ tục gọn nhẹ. Xong xuôi đâu đó, họ không quên gửi một invoice. Thông thường, người có tên trong sách phải trả họ khoảng 300 hay 500 USD và họ gửi cho một cuốn sách dày cộm. Nhưng nếu năm sau không trả tiền cho họ thì họ sẽ loại tên ra khỏi sách.
Không phải chỉ “Who is Who in Medicine” mà còn cả hàng trăm công ti khác cũng làm tiền như thế. Có công ti còn lấy tên rất kêu như “Academy” để kết nạp hội viên. Trong thực tế, có nhiều nhà khoa học trong nước bị làm tiền vì cái trò này. Mấy năm trước khi về Hà Nội tôi còn nghe một câu chuyện vui mà có thật: một nhà khoa học nọ ở Hà Nội được New York Academy of Science kết nạp làm hội viên, và thế là ông mở tiệc ăn mừng suốt 3 ngày liền, rồi gắn danh hiệu viện sĩ trước tên mình. Chính vì câu chuyện này nên tôi có cảm hứng viết bài những ngộ nhận danh xưng tốn kém trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Gần đây có một nhóm trong nước muốn làm theo kiểu này, nhưng tôi không rõ họ có lấy tiền từ đương sự. Cách họ làm là tìm đến những người có bằng tiến sĩ các loại, tập hợp tư liệu tiểu sử, ảnh chân dung và liệt kê công trình khoa học rồi in thành 3 tập “Tiến sĩ Việt Nam hiện đại” nghe nói bán rất chạy. Lí do bán chạy là vì người có tên trong sách chắc chắn sẽ mua một cuốn hay nhiều cuốn để tặng bạn bè. Thật ra, người chủ trương kinh doanh như thế chẳng có gì sai, vì chỉ làbusiness thôi mà. Mà, business này cũng chẳng có gì bất chính. Chỉ có nhà khoa học mang hội chứng narcissism hay các vị tiến sĩ bị làm con cờ và đơn vị cho họ làm tiền mới là đáng nói.
Nếu những người trẻ tuổi, mới bước vào sự nghiệp khoa bảng, và mắc phải cái bẫy của các công ti buôn bán danh tước này, tôi thông cảm cho họ, vì họ chưa biết (hãy cứ giả định như thế cái đã). Nhưng nếu một người đã có sự nghiệp trên 10 năm mà vẫn có những danh tước đó thì là điều đáng trách. Có thể khi học tiến sĩ họ không được dạy đàng hoàng, có thể khi họ ra trường và đi làm những chỗ làng nhàng nên họ không biết được những trò buôn bán đó, nhưng cũng có thể họ biết nhưng vì muốn gây ấn tượng qua CV nên nhắm mắt làm bừa. Dù lí do gì đi nữa thì “Academic narcissism” (dịch là gì?) là một hội chứng có hại cho sự nghiệp khoa học.
====
(1) http://www.forbes.com/forbes-life-magazine/1999/0308/063.html
(2) http://www.huffingtonpost.com/richard-weiner/are-you-in-whos-who_b_502388.html
Nguồn: Tuan’s blog