(TBKTSG Online) – Đã tròn 14 năm kể từ ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ta vẫn hát nhạc Trịnh. Người yêu nhạc ông vẫn tổ chức những đêm nhạc tưởng niệm đây đó. Và người ta sẽ còn hát khi còn niềm tin vào những điều tốt đẹp trên đời.
Một người bạn nói với tôi rằng, trong một lần sự nghiệp thất bại, lâm trọng bệnh, chiều chiều cứ phải đạp xe đến bệnh viện để bác sĩ vào thuốc, có một thứ “thần dược nội trị” giúp anh đi qua ngày tháng cách nhẹ nhõm, đó chỉ là một câu hát của Trịnh Công Sơn đồng vọng trong đầu: “Cánh hoa vàng mỏng manh cuối trời/ Như một lời chia tay”. Sẵn sàng một tâm thế buông bỏ nhẹ nhàng để an tâm hơn với thực tại nghiệt ngã.
Nhiều người nói với tôi rằng, tuổi hai mươi, họ có nhạc Trịnh khi thất tình; tuổi ba lăm, họ có nhạc Trịnh khi nhìn thấy cuộc đời mình bắt đầu trở nên thụ động; tuổi bốn mươi, năm mươi họ có nhạc Trịnh của những quãng chiêm ngẫm về thế cuộc và tuổi sáu, bảy mươi họ có nhạc Trịnh của chiêm ngắm thân phận hữu hạn… Cũng có những em bé nói với tôi rằng, các cháu có nhạc Trịnh của những “tết suối hồng”.
Mặc dù, ai cũng biết, khi viết những ca khúc Trịnh Công Sơn đã không tự gắn lên những “hướng dẫn sử dụng” cho bất kỳ lứa tuổi nào hay dùng cho những tâm trạng cụ thể nào, nhưng mỗi người yêu nhạc của ông tự biết và tự lập ra một hành trình âm thầm đi vào trong cái tinh cầu mà ông sáng tạo ra để chờ đợi họ đến sống.
Là một nhạc sĩ tự học, nhạc thuật của Trịnh Công Sơn khá đơn giản, dễ nghe, dễ thuộc. Nhìn trên đa số văn bản nhạc phổ những ca khúc của ông, người chơi nhạc có thể nhận ra cái giản dị trong thể hiện bằng hệ thống ký âm (điều này rất khác với văn bản nhạc phổ đầy tính hàn lâm của các nhạc sĩ lớn khác như Phạm Duy, Cung Tiến hay Văn Cao). Phần giai điệu đa số đi theo blues, nhịp điệu đa phần chậm rãi và xoay quanh vài âm giai quen thuộc, như một chủ định – tất cả hướng đến phần lời nặng tính chia sẻ, kể lể, tâm tình.
Phần lời ca khúc (ca từ) trong nhạc Trịnh thì được nói đến nhiều hơn. Trịnh Công Sơn được gọi là người hát thơ mình cũng có lẽ vì yếu tố này. Lời của ông chắt lọc, đầy mỹ cảm và triết lý, bên vẻ thô ráp của cuộc đời có chất liệu trừu tượng của hệ thống ngôn từ tôn giáo, triết học và cả cách dụng ngôn trừu tượng mà chỉ có ông mới sáng tạo ra được (hạt cát bao la, cười với âm u, nghìn trùng cơn gió, áo lụa thinh không, đôi môi lửa cháy…).
Người ta cũng nói nhiều đến tính triết học (triết ca) trong nhạc Trịnh, nhưng rõ ràng, thứ triết học mà ông đưa vào ca khúc không phải là thứ triết của sách vở hàn lâm và “nguyên khối”, mà tất cả được thông diễn, trở nên dễ gần, lôi cuốn, mời gọi người nghe cùng suy tư. Tri thức triết học đã được nhào trộn với tâm tình của cá nhân sống trọn vẹn thân phận trong một đất nước triền miên loạn lạc, mất mát và trải nghiệm thấp thoáng của nỗi cô đơn hiện sinh – bi kịch của kẻ xa lạ bị ném vào cõi trần thế đầy bất trắc.
Nghe tình ca của ông, người ta sống bình thản, không chộn rộn quá với niềm hân hoan, không ủy mị tiều tụy với nỗi buồn. Ông như người thầy, khuyến cáo người ta phải là mình, giữ thăng bằng cần thiết trong cuộc sống, nhân tình lắm xáo trộn và đổi thay.
Thời loạn lạc, người ta yêu nhạc Trịnh vì nhìn thấy ở đó thân phận của mình trong thân phận một quê hương thống khổ và nuôi khát vọng hòa bình để con người được đặt lại vị trí xứng đáng của nó. Thời bình, người ta yêu nhạc Trịnh vì cái vị trí cho thân phận con người vẫn còn đó vô vàn bất trắc, chông chênh.
Một bài ca đẹp về sự reo vui thống nhất của Trịnh Công Sơn nay đã biến thành ca khúc trong những sinh hoạt phong trào đoàn hội. Lắm khi người ta vui hát lên thật ồn ào và quên rằng, cái khát vọng mà ông Trịnh viết nên cách đây 40 năm vẫn còn đau đáu lắm: “Dựng tình người trong ngày mới”.
Làm sao để “dựng tình người”? Làm sao?
Thế nên, khi còn hát nhạc Trịnh, người ta còn yêu cái đẹp, còn sống nhân bản, còn nuôi khát vọng về những điều tốt lành cho con người và quan trọng là còn biết tự vấn giữa cái hiện thực ngổn ngang mà mình đang dự phần.
Nguyễn Vinh – TBKTSG