Singapore và Lý Quang Diệu

Nhân dịp lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu qua đời ở tuổi 92 (16/09/1923 – 23/03/2015), mình mới đọc kỹ lại các bài viết về vai trò ‘kiến trúc sư’ của ông đối với sự phát triển của đảo quốc sư tử. Có nhiều bài hay, nhưng thấy bài dưới đây của Võ Tá Hân (cây ghita yêu thích và là cựu sinh viên MIT) đăng ở Thời báo Kinh tế Sài gòn là bài có nhiều ý hay và tổng hợp nhất. Tựa đề của bài báo hơi ‘sến’ một chút nhưng ý toàn bài rất đáng suy nghĩ. Bài báo đăng từ tháng 5/1991 và được tác giả scan dạng pdf ở đây. Phần dưới là nguyên văn bài mình gõ lại cho dễ đọc (dungo).

(TBKTSG – 1991) Trong quá trình phát triển kinh tế thế giới, quốc gia nào cũng đã phải dựa vào những “thế mạnh” riêng biệt để đưa đất nước mình đến chỗ phú cường. Cái thế mạnh ấy có thể là nguồn tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa dư thuận lợi, hoặc nguồn nhân lực sẵn có trong nước.

Nhìn về mô hình Singapore, cái thế mạnh của họ nằm ở đâu và họ đã làm gì để khai thác cái thế mạnh ấy để đưa đất nước họ đến chỗ trù phú thịnh vượng ngày nay? Chúng ta có thể học được những gì qua kinh nghiệm phát triển đất nước của Singapore?

Từ cuối thế kỷ 19, khi bắt đầu đặt chân lên Singapore, người Anh vẫn cho rằng hòn đảo nhỏ bé này chỉ có giá trị ở cái vị trí địa dư thuận lợi nhờ nằm trên đường tàu biển qua lại, ngoài ra không có một chút tài nguyên nào đáng kể. Dựa vào cái lợi thế địa dư đó, người Anh đã chú tâm bành trướng hệ thống cảng biển và biến Sinapore thành một trung tâm thương mại quốc tế.

Khi cựu thủ tướng Lý Quang Diệu lên cầm quyền, ông ta vẫn tiếp tục chiến lược phát triển kinh tế theo chiều hướng đó. Tuy nhiên ông Diệu đã có một tầm nhìn rộng lớn hơn và nhìn thấy những cơ hội mới để tạo ra thêm những “thế mạnh” khác cho Singapore. Trong một thời gian tương đối ngắn, qua các chưogn trình giáo dục, đào tạo cùng các kế hoạch cung cấp nhà ở cho dân, ông Diệu đã biến cái gọi là “nguồn lao động rẻ tiền” của Singapore thành một nguồn nhân lực hùng hậu với khả năng rất cao. Đây là cái thế mạnh mới của Singapore và cho tới nay các chương trình đào tạo và huấn luyện nhân lực ấy vãn còn được phát triển liên tục không ngừng.

Kế hoạch phát triển của ông Diệu gồm có bốn điểm chính. Trước hết là việc cố gắng thu hút các kỹ nghệ sản xuất và chế biến, đặc biệt là các kỹ nghệ tinh xảo cao cấp có sẵn lợi thế trên thị trường mà không cần phải lệ thuộc vào yếu tố lao động rẻ tiền để hạ giá thành của sản phẩm. Kế đến, họ chú trọng đến việc phát triển hệ thống liên lạc viễn thông nhằm giúp cho hoạt động hải cảng, thương mại, gắn liền Singapore với thế giới bên ngoài một cách hữu hiệu và rẻ tiền. Sau đó ông Diệu tìm cách biến Singapore thành một trung tâm tài chính thế giới bằng cách mở cửa mời các ngân hàng lớn đến lập trụ sở tại đây. Và cuối cùng, song song với các hoạt động kể trên ông Diệu cố gắng tạo một guồng máy hành chính hết sức hiệu quả và trong sạch. Để đạt mục đích này, ông Diệu tìm cách nâng cao mức lương của công chức đến mức tối đa và đồng thời cho áp dụng các biện pháp chống tham nhũng một cách gắt gao.

Tất cả các chính sách cải tổ nói trên đều đã được thể hiện bằng những đạo luật rõ ràng: Là một luật gia tốt nghiệp ở Anh quốc, ông Diệu, hơn ai hết hiểu rõ rằng một khi các chủ trương và chính sách được quy định bằng pháp luật, chính phủ sẽ tạo được một chuẩn độ cho cả quốc gia phải tuân theo, và mọi người mới cảm thấy ổn định lâu dài để yên tâm làm ăn, mang hết sức lực ra làm việc và thi thố tài năng để góp phần xây dựng đất nước.

Bài học phát triển của Singapore quả rất giản dị. Trước hết, dẫu cho một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, hoặc có một vị trí địa dư thuận lợi thế nào đi nữa thì yếu tố quan trọng nhất để làm cho đất nước giàu mạnh vẫn là việc biết khai thác và tận dụng nguồn tài năng và nhân lực cho đúng cách và đúng lúc. Một nguồn dầu hoả năm bảy chục năm không bì được với một vị trí địa dư thuận lợi, và tất cả cũng không sao bằng có được một nguồn nhân lực tài giỏi đầy ý chí.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của ông Lý Quang Diệu là ông biết đặt mình vào một vị trí đứng ở ngoài nước để có được một cái nhìn tổng thể về các biến chuyển chung quanh. Nhìn thấy trước được chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Nhật Bản, ông Diệu đã tạo cơ hội cho Singapore để đón nhận đầu tư của người Nhật khi họ bắt đầu bước ra khỏi nước Nhật để bành trướng trên thị trường quốc tế. ông Diệu cũng đã thấy trước được sự thay đổi chính sách của khối thị trường chung châu Âu đối với vùng châu Á và châu Úc để tạo cơ hội nhằm biến Singapore thành một cửa ngõ cho châu Úc vào thị trường vùng châu Á Thái Bình Dương. Những ảnh hưởng của mối liên hệ giữa Trung Hoa lục địa và Đài Loan cũng đã được phân tích kỹ lưỡng và lợi dụng triệt để hầu giúp cho Singapore tạo được mối quan hệ thương mại với cả hai bên.

Mức độ phát triển và sự phồn thịnh của một quốc gia chỉ có thể đạt đến một giới hạn nào đó tuỳ vào tầm nhìn của các nhà lãnh đạo quốc gia. Tầm nhìn ấy tuỳ thuộc vào vị trí, chỗ đứng ở đâu để nhìn, và đồng thời nhìn về hướng nào. Đứng ở trong nước nhìn ra, ta chỉ có thể thấy được những gì phải làm dựa vào những yếu tố sẵn có. Phương cách chiến lược phát triển kinh tế do đó chỉ có tính cách phòng thủ và chỉ giúp củng cố các yếu tố nội bộ trong giai đoạn hiện tại mà thôii. Cái nhìn từ bên ngoài vào thật hết sức quan trọng vì đứng ở ngoài nhìn vào ta mới đánh giá được những gì ta hiện có, và đồng thời thấy được những gì có thể làm trong tương lai một cách sáng suốt và khách quan. Đây chính là điều đặc biệt nhất về ông Lý Quang Diệu mà lãnh tụ nhiều quốc gia khác đã không làm được. lấy thí dụ Anh quốc chẳng hạn, ngay sau khi đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt, nước Anh có một cơ hội để xoay chuyển đường hướng phát triển kinh tế hầu có thể đưa họ đến vị trí bá chủ ở châu Âu khi các nước trong vùng đang còn kiệt quệ vì chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên cả một guồng máy kỹ nghệ Anh quốc và cấp lãnh đạo đương thời đang còn bận ngủ quên trên chiến thắng và quá bận tâm với những vướng mắc nội bộ mà không nhìn thấy trước được cái cơ hội ấy.

Thật ra thì ngay chính ông Lý Quang Diệu ban đầu cũng không tin là Singapore có thể tồn tại được lâu dài. Cái nhìn từ bên ngoài của ông Diệu sở dĩ có được, một phần lớn cũng là nhờ vào việc ông ta đã dùng rất nhiều chất xám ngoại quốc trong giai đoạn đầu. Chính họ đã góp phần rất lớn cho Singapore trong những bước đầu để xác định lại “thế mạnh”, giúp vạch ra một đường lối và chiến lược phát triển kinh tế dài hạn cho Singapore. Các cấp lãnh đạo thuộc thế hệ đầu tiên giờ đã về hưu thỉnh thoảng còn nhắc đến một tập tài liệu đặc biệt viết bởi năm giáo sư của Viện Đại học Kỹ thuật Massachusetts (MIT) mà ông Diệu mời đến Singapore để nghiên cứu và góp ý kiến về chiến lược phát triển quốc gia. Bộ luật Ngân hàng và Quỹ tiền tệ của Singapore cũng đã do một nhóm ngân hàng gia gốc Đức và Canada từ Ngân hàng Thế giới thiết lập. Đặc biệt nhất là một tiến sỹ kinh tế người Hà Lan (Albert Winsemius – dungo) đã đóng vai trò cố vấn kinh tế cho ông Diệu trong suốt thời gian qua cho tới khi vị cố vấn này về hưu khi quá 70 tuổi cách đây chỉ mới vài năm (thời điểm 1991 – dungo). Tất cả những thành công của Singapore có thể nói rằng được dựa trên việc biết dùng chất xám, biết khai thác triệt để nguồn nhân lực sẵn có.

Vẫn biết rằng Singapore là một xứ nhỏ và do đó nền kinh tế của họ dễ lèo lái trong khi Việt Nam vẫn còn đầy khó khăn vướng mắc khi đang xoay chuyển từ một nền kinh tế chỉ huy qua nền kinh tế thị trường và con đường đi sẽ không dễ đàng. Vấn đề chính là làm sao để có được một cái nhìn từ bên ngoài vào để xác định cho ta đâu là thế mạnh mới như ông Lý Quang Diệu đã làm cho Singapore.

Lệnh cấm vận của Mỹ trước sau gì rồi cũng được bãi bỏ (dự đoán đúng vào 4 năm sau – 1995 – dungo). Nếu ta chỉ nghĩ rằng một khi hết cấm vận thì tiền viện trợ sẽ đổ vào đất nước và đất nước sẽ khá hơn thì hãy nhìn đến Philippines. Trong thập niên 1960, mọi người đều cho rằng Philippines là nước có tiềm năng phát triển khá nhất Đông Nam Á. Không khá sao được khi người dân Phi có một trình độ học thức tương đối cao, biết nói tiếng Anh lưu loát, đất nước dồi dào tài nguyên thiên nhiên và nhất là được Mỹ viện trợ thừa thãi. Thế nhưng những thành quả của Phi thật đáng thất vọng. Nếu ta trông chờ vào nền dầu hoả để cứu vớt cho nền kinh tế của ta thì hãy nhìn đến Indonesia. Nếu trông vào gạo xuất khẩu làm cứu cánh thì hãy nhìn qua Thái Lan hoặc cao su thì nhìn về Malaysia. Tất cả những nước này cho đến nay vẫn chưa được liệt vào hạng cọp hay rồng nào ở châu Á cả! Trong mười năm qua, 20 năm nữa về mặt phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ trở nên tương tự như quốc gia nào ở Đông Nam Á? Là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan hay Singapore? Tất cả đều tuỳ vào chiến lược phát triển kinh tế ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, vị trí địa dư tốt, nguồn khoáng sản, hải sản, dầu hoả, gạo, tiền viện trợ v..v.. tất cả không đủ là những thế mạnh để đưa đất nước đến chỗ giàu sang thịnh vượng.

Nhìn lại Nhật Bản và bốn con rồng kinh tế châu Á: Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kong và Singapore, ta thấy họ đều có rất nhiều điểm tương tự nhau. Tuy nhiên có ba điểm nổi bật nhất là trước hết các nước này đều có một nền văn hoá chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa mà những đức tính cần cù, nhẫn nại, hiếu học, chăm chỉ làm việc vv..vv rất được đề cao. Kế đến, tất cả đều không có những điều kiện tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Và sau cùng họ đều đã phải dựa trên nguồn nhân lực của họ để tạo thế mạnh cho công cuộc phát triển kinh tế quốc gia. So với các con rồng ấy thì Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để phát triển. Chỉ có điều không may là trong suốt hơn 100 năm qua chúng ta đã mất quá nhiều cơ hội để phát triển vì chiến tranh tàn phá. Muốn “đốt giai đoạn”, muốn thâu ngắn hố cách biệt, muốn bắt kịp các nước láng giềng và vượt qua họ để trở thành con rồng thứ năm, điều quan trọng nhất là việc phải biết khai thác nguồn nhân lực tài năng vô tận của ta cho đúng cách. Nói một cách cụ thể thì trước mắt chúng ta cần cải tổ lại hệ thống giáo dục, mở cửa để đón nhận sách vở, kiến thức mới về mọi ngành trên thế giới, mời các giáo sư ngoại quốc vào dạy, khuyến khích và tạo cơ hội cho các chuyên viên, sinh viên ưu tú đi du học ngoại quốc…

Riêng về vấn đề có được cái nhìn chiến lược từ bên ngoài vào thì quả thật chúng ta cũng đã có những cố gắng rất tốt. Điển hình nhất là các cuộ hội thảo kinh tế với sự cộng tác của Liên hiệp quốc, Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển v..v… Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực hành còn có một cách biệt lớn lao. Biết phải làm gì và mang ra áp dụng những điều ấy là hai vấn đề khác biệt. Sở dĩ Singapore thành công là vị họ có thể bắt tay vào làm việc rất nhanh mà không bị trì trệ về những khó khăn nội bộ. Tất cả các “vec tơ” của Singapore hầu như đều nhằm về một hướng chứ không chĩa đi khác phía để rồi triệt tiêu lẫn nhau (Phần này có nhiều điểm không chính xác nếu đọc kỹ cuốn “Bí quyết hoá rồng: Lịch sử Singapore 1965-2000” – dungo).

Nếu cho rằng chúng ta không thể làm được vì còn thiếu tiền, thiếu phương tiện, thì đó là một điều sai lầm lớn. Thật ra thì tất cả những tài nguyên, vốn liếng và phương tiện đều có sẵn trong nước cả. Ta không làm được là chỉ vì xưa nay chính ta tự đặt cho mình các giới hạn vô hình để tự ràng buộc lấy ta và nhất là các “vec tơ” của ta không hướng về cùng một phía. Muốn thành công, chúng ta không cần phải tìm tòi đâu cho xa vì tất cả đều đã nằm sẵn trong trí óc, trong tầm tay và ngay trước mắt ta. Một nước nhỏ bé như Singapore đã làm được thì có lý do gì khiến cho Việt nam lại không thể làm được.

Singapore 02/5/1991

Võ Tá Hân

PS. Đang ngẫm nghĩ liệu ‘đứng ngoài để nhìn hệ thống’ thì có liên hệ gì với Leverage points for Sustainability trong SES nhỉ? Ngoài ra dường như Việt Nam đang rơi vào đúng hiệu ứng của “Lời nguyền tài nguyên” (resource curse – những quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên thường chỉ phát triển khá trong giai đoạn đầu khi chỉ có 2 hoạt động cơ bản là ĐÀO-BÁN, còn sau đó thì rơi vào tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, và tham nhũng do quá phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thô).

 

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Inspiration, Relax. Bookmark the permalink.