Định viết một số cảm nhận về khung cảnh, con người, và xã hội châu Âu nhưng chưa có thời gian tập hợp lại các ghi chép. Nhân tiện thấy bài của GS Nguyễn Đình Cống quá hay nên post lại để sau này cho bản thân và bạn bè tìm hiểu. Cách viết của tác giả rất hóm hỉnh, nhưng nếu đọc thật chậm nội dung bên trong từng câu chuyện thì ta có thể thấy được rất nhiều điểm quen thuộc trong xã hội hiện hành. Ví dụ bàn về chuyện thi đua chẳng hạn, ông lược thuật lại rằng “Thi đua là động viên tinh thần để người ta làm tốt hơn, trong chiến tranh cần phải động viên tinh thần và động viên như vậy là hay, là đúng, là có hiệu quả cao, còn bây giờ trong nền kinh tế thị trường liệu việc động viên như thế có còn tác dụng nữa hay không”. Riêng điểm này đã thấy rõ tính thời sự của chủ đề đang bàn trong bối cảnh hiện nay (dungo).
Giới thiệu: Vừa qua, trong 1 tháng tôi đã đi chơi qua 9 nước châu Âu ( Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Áo , Ý, Ba Lan, Latvi, Litva ), vừa kết hợp du lịch với thăm con cháu và thông gia. Chẳng là tôi có 1 con gái lấy chồng Hà Lan, 1 đứa khác lấy chồng người Ý nhưng lại làm việc ở Pháp. Tôi tự thấy mình già rồi, chẳng muốn đi đâu xa cả, thế nhưng con và thông gia mời mọc nhiều quá , bà vợ rất thích đi nhưng không thể đi một mình nên tôi đành tháp tùng. Đi một ngày đàng học 1 sàng khôn. Tôi đi 1 tháng qua 9 nước nên cũng học được nhiều thứ. Nhưng điều vui vẻ mà tôi muốn chia sẻ là thấy “ cái dại” của thiên hạ. Tôi cứ lấy “ cái hay, cái khôn” của dân ta ra mà xét, mà so sánh thì mới thấy thiên hạ có nhiều điều quá dại khờ, dân ta mới thật khôn ngoan, đảng ta mới thật sáng suốt. Tôi muốn được trẻ lại để sang châu Âu tuyên truyền nền văn hóa, phong tục tốt đẹp của chúng ta, sự tiên tiến của chế độ chính trị của chúng ta để cho thế giới phải ca ngợi chúng ta là số 1, không những dẫn đầu về CM giải phóng dân tộc mà còn dẫn đầu thế giới nhiều thứ (chỉ hơi bị kém một chút về phát triển kinh tế, nhưng đó là do lỗi của bọn đế quốc ). Tôi xin ghi lại một phần sự thật và một phần sáng tác (làm sao có thể ghi được toàn bộ sự thật, mà như người ta nói, nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, còn một nửa của sự thật thì có khi là dối trá ). Tôi chỉ nhằm mục tiêu vui vẻ thôi, để tự cười là chính, còn dối trá đến đâu, dối trá chỗ nào xin tùy các bạn phán đoán và phân xử.
Chuyện số 1- Dân châu Âu quá mất cảnh giác
Tôi đi qua nhiều nước bằng ô tô thế nhưng chẳng phải dừng lại ở một biên giới nào để trình giấy tờ cả. Từ Paris đi đã 5 giờ mà chưa dừng chỗ nào, tôi hỏi sao mãi mà chưa đến biên giới Pháp- Bỉ. Con tôi cười bảo, ba ơi đã qua biên giới lâu rồi. Tôi bảo, biên giới quốc gia chứ có phải rừng hoang đâu, sao không có biên phòng, không có trạm gác, thế thì bọn khủng bố, bọn buôn lậu tự do ra vào đất nước à, quá mất cảnh giác. Thời đại này là thời nào cơ chứ, gián điệp, buôn lậu, tội phạm, nhập cư trái phép nhan nhản khắp nơi, thế mà biên giới quốc gia không canh phòng nghiêm ngặt thì làm sao bảo vệ được Tổ quốc. Các con không biết biên giới Tổ quốc là thiêng liêng à. Tại sao các con làm việc lâu năm ở đây mà không góp ý kiến với chính phủ. Trời ơi, cứ để tự do thế này là không thể được, không thể được. Tôi dặn con, khi nào qua biên giới vào Hà lan phải chạy chậm lại và chỉ cho ba xem. Đây rồi, biên giới, không đồn bốt, không lính gác, không có ba ri e, không có cả biển báo cho rõ ràng. Chúng nó chẳng đến Việt nam mà tham quan, mà học tập. Từ tỉnh này qua tỉnh khác chúng ta làm những biển báo to vài chục mét vuông, đặt cao trên 4; 5 mét, viết rõ ràng Tỉnh XY xin kính chào quí khách, ở xa hàng mấy trăm mét vẫn đọc được. Đàng này ở biên giới quốc gia của họ chỉ có tấm biển chưa đến 1 mét vuông, đặt gần sát ngay mặt đường, vẽ một vòng 12 ngôi sao, tên nước viết bé tí xíu, có đến sát mới đọc được. Thể thì phong độ của đất nước để vào đâu.
Qua 9 nước, khi ở khách sạn, khi ở nhà dân (nhà con, nhà thông gia, nhà thuê), không nơi nào phải trình báo công an hộ khẩu, người ngoại quốc mà muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở. Thế thì còn đâu là an ninh trật tự xã hội, thế thì quản lý người lạ như thế nào. Họ chẳng biết sang ta mà học tập cách quản lý hộ khẩu, quản lí như ta mới thật sự chặt chẽ để bảo vệ nhân dân, chứ như họ thì thật là quá mất cảnh giác
Chuyện số 2- Ở châu Âu không thật sự có kinh tế thị trường
Ở ta, thời kinh tế bao cấp mọi hàng hóa đều do Mậu dịch quản lý, phân phối theo tem phiếu, không có cạnh tranh, không cần quảng cáo. Đến khi đảng lãnh đạo mở cửa thì mọi người mới biết đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường là quảng cáo và cạnh tranh. Để biết quảng cáo như thế nào thì chỉ cần đi dọc các con đường (đặc biệt từ sân bay Nội bài về Hànội) sẽ thấy bao nhiêu là biển quảng cáo, cái nào cũng lớn vài chục mét vuông, đặt trên những hệ kết cấu chắc chắn, bất chấp gió bão cấp cao nhất (bão đến, nhà sập, biển quảng cáo không sập). Để biết thế nào là cạnh tranh à. Thì cứ xem nhà ở hai bên phố và các biển hiệu. Nhà làm trước đã cao rồi, nhà làm sau phải cao hơn một chút. Ngay ở các nghĩa địa, mộ xây trước đẹp rồi, to rồi, mộ xây sau lại to hơn một chút. Biển hiệu à, cửa hàng bé thôi nhưng biển hiệu phải thật lớn. Một quán bán bia, bán cà phê diện tích mặt bằng vài chục mét vuông (thậm chí chỉ vài mét vuông) cũng làm biển hiệu to hết cỡ. Biển treo sau cố làm to hơn biển treo trước ở bên cạnh. Biển hiệu dày đặc phố phường, cái này sát vào cái kia, cái trên cao, cái dưới thấp, cái xanh đỏ, cái tím vàng, làm tăng thêm vẻ đẹp và sự nhộn nhịp của phố phường.
Tôi đã đi qua nhiều con đường, qua nhiều thành phố châu Âu, chẳng thấy nơi nào có quảng cáo và cạnh tranh kiểu như vậy. Thế thì kinh tế thị trường ở đâu, không khéo chỉ nói ngoài mồm mà thực chất thì chưa có KT thị trường thực sự.Thế mà không biết sang VN mà học tập kinh nghiệm. Trong việc phát triển KT thị trường, có lẽ chúng ta đi sau một số nước như Mỹ và Nhật nhưng đã vượt lên trước các nước châu Âu. Nếu các nước không biết để đến học thì có lẽ chúng ta nên đem các thành tựu, các kinh nghiệm đi phổ biến để giúp các nước theo kịp chúng ta. Làm được như thế sẽ nâng cao địa vị của VN trên trường quốc tế, cái gì chứ nguồn thu do du lịch sẽ tăng. Người ta sẽ chen nhau đến VN để học kinh nghiệm làm bảng quảng cáo, làm biển hiệu , cách thiết kế , xây nhà và mồ mả cái sau cao hơn cái trước.
Dân châu Âu cũng không biết làm kinh tế, để lãng phí nguồn thu rất lớn. Đi ô tô hàng mấy trăm cây số, thỉnh thoảng mới gặp một trạm thu phí, thế thì lấy tiền đâu mà sửa chữa đường. Hai bên đường ô tô chẳng thấy các quán hàng cơm phở. Thế thì giải quyết chuyện ăn uống của khách đi đường như thế nào, lại vừa lãng phí đất đai hai bên đường, thật chẳng biết làm kinh tế. Họ phải nên học VN, chỉ vài chục cây số là có trạm thu phí, thế là vừa tăng được ngân sách vừa tạo công việc cho nhiều người, trong vùng dân cư hai bên đường đất là vàng, phải biết triệt để lợi dụng để làm hàng quán. Ở nhiều nơi đường phố có vỉa hè khá rộng, thế mà chỉ để không cho người đi bộ, họ không biết lợi dụng vỉa hè để buôn bán như ở ta, thật lãng phí, thấy những vỉa hè rộng rãi không được lấn chiếm để kinh doanh, làm tăng thu nhập cho xã hội mà tiếc, mà xót xa.
Chuyện số 3- Dân châu Âu không tình cảm, không lịch sự
Vợ chồng tôi ở chơi với mỗi nhà thông gia vài ba ngày. Đến bữa ăn, sau khi được con cháu mời ngồi vào bàn thì ai muốn ăn gì, ăn bao nhiêu thì ăn, họ không hề mời mọc, không hề lấy thức ăn bỏ vào đĩa cho chúng tôi. Thế thì tình cảm ở đâu, lịch sự ở đâu. Chẳng được như ở ta, khi ăn mọi người quan tâm lẫn nhau, gắp thức ăn cho nhau, thế mới tỏ ra thân mật hoặc kính trọng chứ. Tôi đem chuyện tâm sự với con thì được chúng nó giải thích : Thế ba có biết phong tục tốt đẹp gắp thức ăn cho người khác là gì không. Ẩn dấu đàng sau nó là một số điều mà dân châu Âu không thể chấp nhận. Tôi hỏi điều gì. Một phong tục từ nghìn đời tổ tiên truyền lại chỉ có tốt đẹp mà thôi. Con bảo là ẩn dấu, ẩn ở đâu, dấu ở đâu mà một người như ba lại không thấy. Con tôi cười, bảo rằng, ba, dù cho là GS TS thì cũng bị ảnh hưởng của truyền thống dân tộc. Điều ẩn dấu thứ nhất “Gắp thức ăn cho người khác khi họ có thể tự gắp được là hành động tốt của những người nghèo đói”. Tại sao phải gắp thức ăn cho người khác, tại vì số lượng bị hạn chế, không đủ cho mọi người ăn một cách thoải mái, người ta sợ rằng không nhanh tay gắp cho người khác thì có ai đó nhanh mồm hơn ăn mất. Nếu thức ăn nhiều và chất lượng như nhau, ai muốn ăn bao nhiêu có bấy nhiêu thì chắc không phát sinh phong tục mời mọc, nhường nhịn đến vậy. Tại sao cần nhường nhịn, cơ bản là tại không đủ. Lại gặp trường hợp có người tự cho mình nghĩa vụ được gắp thức ăn cho mọi người, ẩn sau cái nghĩa vụ tốt đẹp ấy là cái quyền được phân phối, được thỏa mãn cái tôi thích quyền hành. Quyền được phân phối là một quyền quan trọng, không nắm được quyền đó trong xã hội thì ta tự thỏa mãn bằng cách phân phối thực phẩm trong bữa ăn. Có những lúc người được gắp thức ăn phải chấp nhận sự áp đặt vì đang muốn ăn thứ khác thì bị gắp cho thứ không muốn hoặc không thể ăn. Nghe con phân tích mà tôi cũng hơi tỉnh ngộ ra.
Nhân tiện tôi hỏi các con và rể có biết các ngày kỷ niệm của gia đính sếp không (ví như ngày sinh của sếp, của cha mẹ vợ con sếp, ngày giỗ tổ tiên sếp v.v.. ).Chúng hỏi biết để làm gì, chẳng phải chúng nó mà nhiều người cũng không biết. Tôi nói ở ta cán bộ, nhân viên phải biết những ngày, những dịp như vậy còn để mang phong bì, quà cáp đến chúc mừng nhằm thể hiện tình cảm chứ. Không phong bì, không quà cáp thì hỏi có gì là tình cảm, có gì là lịch sự. Chuyện này dân châu Âu còn phải học tập, noi gương chúng ta nhiều.Thôi thì dân châu Âu thế nào kệ họ, các con là người Việt, cần phải biết và phát huy cách thể hiện tình cảm của dân tộc, mà cách thể hiện như thế mới phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây.
Chuyện số 4- Dân châu Âu không biết thi đua
Tôi hỏi con và rể năm vừa rồi có được bầu là lao động tiến tiến hoặc chiến sĩ thi đua , gia đình có được bình bầu là gia đình văn hóa hay không. Chúng nó ngạc nhiên, hỏi lại, được thế để làm gì. Trời ơi, thì ra ở đây nhân dân, viên chức không biết thế nào là thi đua. Đến lượt tôi ngạc nhiên. Không thi đua thì làm sao làm tôt được mọi công việc, làm sao tăng năng suất lao động, không bình bầu thi đua thì làm sao biết ai đã hoàn thành tốt công việc. Không có danh hiệu thi đua thì căn cứ vào đâu mà khen thưởng. Hỏng, hỏng, một xã hội không thi đua thì làm sao tiến bộ được. Thế mà nhiều năm nay dân châu Âu không biết sang VN mà học tập. Không biết các đoàn cao cấp của nhà nước đi lại thăm hỏi nhau nhiều mà sao không truyền bá được thi đua sang châu Âu, không khéo cả châu Mỹ, châu Phi cũng không biết thi đua. Tôi giảng cho con cháu, thi đua do Bác Hồ phát động năm 1948 để chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Thi đua là động viên tinh thần. Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Nhờ thi đua mà nhân dân ta thắng giặc và phát triển kinh tế, thi đua là động lực rất tốt. Rõ ràng, theo mệnh đề của Bác mà suy thì không thi đua là không yêu nước. Con tôi lại cười và muốn giải thích. Tôi định ngăn lại, nghĩ rằng chúng mày lại muốn dạy khôn cho ba à, mà ba là ai chứ, là GS TS, một người gần kề cận tuổi 80, thế nhưng tôi cứ im lặng để nghe. Chúng nó hỏi ba biết cái hay của thi đua thế có biết cái dở của nó không. Tôi vô cùng ngạc nhiên, thi đua chỉ có hay, chỉ có tốt chứ làm gì có chỗ nào dở. Trời ơi không khéo con tôi, tôi mất công nuôi dạy, cho ăn học nay lại quay ra phê phán cha ông. Thôi thì đành nghe chúng nó nói xem sao. Đầu tiên cái con cử nhân khoa học nói: Chính ba bảo Bác Hồ tuyên bố thi đua để chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thế bây giờ làm gì còn các thứ giặc ấy nữa. Thi đua là động viên tinh thần để người ta làm tốt hơn, trong chiến tranh cần phải động viên tinh thần và động viên như vậy là hay, là đúng, là có hiệu quả cao, còn bây giờ trong nền kinh tế thị trường liệu việc động viên như thế có còn tác dụng nữa hay không. Tôi bảo, sao lại không còn, còn quá đi chứ. Nó cãi, con hỏi ba, có 2 thứ đều tốt, thứ A tốt 5, thứ B chỉ tôt 2, cho ba tự do, ba chọn thứ nào. Tôi bảo, mày tưởng tao ngu lắm hả, chỉ là ngu vừa vừa cũng biết chọn cái tốt hơn chứ. Nó bảo, thì thế, thế có cái tốt hơn thi đua sao người ta không chọn. Tôi hỏi đó là gì, nó bảo, đó là việc trả công theo đúng thành quả lao động. Trước đây vì không đủ tiền nên động viên thi đua mới có tác dụng, ngày nay phải lấy động lực kinh tế để khuyến khích. Thi đua còn có một điểm không hay là phải bình bầu. Việc bình bầu thời gian đầu còn có tác dụng, về sau này phần lớn chỉ là hình thức, mất thời gian, người ta thường làm cho qua chuyện. Tôi giải thích, thi đua cũng có tiền thưởng chớ sao. Chúng nó cãi, đồng ý, được bình bầu là chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động sẽ có tiền thưởng nhưng liệu tiền thưởng ấy có bằng với việc trả công cho xứng đáng hay không. Tôi nói, ừ thì tiền thưởng không bằng nhưng còn có bằng khen, giấy khen, còn vinh dự nữa chứ. Chúng nó bảo, những người thời đại ba cần những giấy khen và vinh dự như thế, còn chúng con không cần, chúng con cần cái thực chất hơn. Nếu con làm được gấp đôi mà được trả công gấp đôi thì con sẽ cố mà làm được gấp ba, gấp bốn chứ chẳng cần thi đua với ai cả. Tôi cố cãi, vừa trả công xứng đáng, vừa thi đua thì chỉ tôt hơn chứ sao. Bây giờ cái con thạc sĩ kinh doanh mới lên tiếng. Ba ơi, có lẽ không phải thế. Khi đã phát hiện một thứ gì đó đã lỗi thời mà không dám mạnh dạn từ bỏ để tập trung cho cái hiệu quả hơn thì cái lỗi thời sẽ níu kéo, sẽ làm tổn hao năng lượng. Con thấy chúng ta vẫn hô hào duy trì và mở rộng thi đua chẳng qua là có một tầng lớp được lợi vì chuyện đó hoặc có thể dựa vào chuyện đó , còn nhìn chung cả xã hội thì thi đua không còn thích hợp nữa. Ba xem các nước châu Âu không đâu có thi đua mà họ đã phát triển như thế nào. Tôi chất vấn, các con bảo thi đua chỉ làm lợi riêng cho một số người, đó là ai. Chúng nó bảo, đó là cán bộ trong các ban xét thi đua ở các cấp, không có thi đua thì những người này biết làm gì, kiếm bổng lộc ở đâu , thứ hai là lợi cho những người năng lực bình thường, có nơi nào trả công theo thành quả lao động thì họ không những chẳng được lợi gì mà còn có thể bị thiệt, thứ ba lợi cho những thủ trưởng không có năng lực đánh giá nhân viên, phải dựa vào sự bình bầu. Khi chưa có đường tốt, chưa có xe tải tốt mà có được chiếc xe thô sơ, chiếc xe đạp thồ thì quá quí, còn khi đã có xe tốt, có đường tốt mà vẫn khuyến khích dùng xe thô sơ và xe đạp thồ nếu không phải là bịp bợm thì cũng là khờ dại, vì rằng khi quá quan tâm đến cái này thì dễ thờ ơ với cái khác. Tôi nghe bọn con phân tích mà hoang mang, có lẽ tôi phải kiểm lại nhận thức của mình. Ừ nhỉ, dân châu Âu không thi đua thì nhờ cái gì mà họ tiến bộ nhanh như vậy.
Tôi hỏi. Bác Hồ dạy thi đua là yêu nước, thế không thi đua nữa thì sao. Cái con thạc sĩ giải thích. Ba ơi lời dạy của Bác rất đúng vào thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, ngày nay e không còn đúng. Ví như con nói ăn khoai no bụng, vậy không ăn khoai nữa mà ăn bánh thì sao, lẽ nào chỉ có ăn khoai mới no còn ăn các thứ khác không no. Câu của Bác hiểu xuôi thì đúng trong một hoàn cảnh nào đó còn theo lôgic thì không thể suy luận ngược lại . Cũng như con nói : nhờ có chúng con mà ba mẹ được sang chơi châu Âu, có đúng không. Mẹ chúng nó bảo: rất đúng, đúng quá đi chứ. Tôi cũng tán thành. Con tôi lại hỏi. Thế nếu không có chúng con thì ba mẹ không thể sang châu Âu, có đúng không. Bà xã nhà tôi ngần ngại, không trả lời mà hỏi tôi, con nói vậy có đúng không, vì theo bà nghĩ thì có lẽ đúng. Tôi trả lời dứt khoát là không đúng. Không có chúng mày mà tao muốn đem mẹ mày đi chơi đâu chẳng được, miễn là tao có ý thích, có tiền và sức khỏe. Các con, rể, cháu tôi nghe vậy vỗ tay hoan hô.
Chuyện số 5- Dân châu Âu quá kém về những việc thông thường
Dân Việt ta rất quan tâm đến thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng nhớ đến cội nguồn, hàng năm lo giỗ các cụ. Ai không làm tròn việc đó sẽ mang tiếng bất hiếu. Chỗ trang trọng nhất trong mỗi nhà là bàn thờ. Tôi vào nhiều nhà ở Pháp, Ý, Hà Lan chẳng thấy bàn thờ gia tiên đâu cả. Thế thì chúng nó là một lũ mất gốc, bất hiếu. Chúng nó chẳng chịu sang ta mà học tập. Tôi tâm sự với các con, lại được chúng nó phê phán cho một trận. Chúng nó bảo tại sao ba lại hay dùng thói quen của mình để đánh giá người khác. Người ta không có phong tục lập bàn thờ nhưng có phải vì thế mà bảo người ta quên tổ tiên đâu. Tôi cãi, hàng năm không cúng giỗ, không đốt vàng mã, quần áo giấy thì vong linh các cụ bị đói, bị rách, làm sao các cụ phù trì bảo hộ cho con cháu. Lúc này thằng rể người Hà Lan lên tiếng, nó nói lơ lớ nhưng cố mà nghe thì cũng hiểu, nó nói : Pa ôi, con ngời ta pải chịu 2 sự tác dộng, của xã hụi và của tam linh. Của xã hụi gồm chính trị, kinh té, văn hó, và nhều thú khác. Phần tam linh gồm tôn giáo, linh hồn tổ tên và một số thứ khác. Hai tác dộng này thờng độc lập vứi nhau và bổ sung cho nhau. Khi tác dộng xã hụi yếu kém ngời ta thờng cầu cứu đến tam linh, còn khi tác dộng của xã hụi rất tôt như của châu Âu hện nay thì ngời ta bớt đi sự cầu cứu. Mà vong linh các cụ cần ở con cháu không pải là cúng pái xôi thịt, không pải là đốt vàng mã mà là cần lòng tưởng nhớ và sự cầu nguyện, việc đó dân châu Âu thờng làm ở nhà thờ. Tôi hỏi, thế việc động mồ, động mả, các cụ về quấy phá con cháu thì làm thế nào. Lần này thằng rể người Y giải thích : Ba ơi, có lẽ lúc còn súng các cụ nhà ta ở Vệt Nam hay dựa dẫm vào con cháu, các cụ lại quá quan tam đến thể xác củ mềnh, đến khi nằm dưới mồ gặp trục trặc gì là pải gây sự để bắt con cháu cúng pái. Các cụ ở châu Âu khi còn súng không như vạy, các cụ tự lo lệu và không quá quan tam đến thể xác sau khi chết nên khung có chuện đụng mồ, đụng mả như ở Vệt nam. Tôi ngẫm nghĩ, có lẽ hai thằng rể nói thế mà đúng cũng nên.
Khi ở Hà Lan và Ý tôi xem xét cách qui hoạch, xây nhà, thấy người ta làm rất hay. Tôi trao đổi với ông thông gia và hỏi rằng chắc phải có thầy phong thủy giỏi mới làm được thế. Ông thông gia ngạc nhiên hỏi phong thủy là cái gì. Chúng tôi chẳng bao giờ biết đến phong thủy. Lại đến lượt tôi ngạc nhiên. Trời ơi, phong thủy là thứ rất quan trọng, thế mà họ không biết, không cần biết. Làm sao đây.Làm sao tuyên truyền cho họ hiểu để họ sang Việt Nam hoặc Trung Quốc mà học tập, nếu không theo phong thủy thì phát triển thế nào được. Con tôi lại định phản bác. Thì ba xem…, tôi vội gạt đi, ở Việt nam tao thỉnh thoảng đi dạy phong thủy cho các câu lạc bộ sinh viên…Thôi tôi cứ để cho nó nói chứ không lại mang tiếng lấy quyền bố mà bịt miệng con. Cái con cử nhân khoa học nói : Ba ơi, việc vận dụng phong thủy cũng như vận dụng nhiều thứ khác, có 2 cách tự giác và tự phát. Chỉ nghe đến đây tôi đã hiểu nên bảo nó thôi.
Trong thòi gian ở lại nhà thông gia, một hôm tôi thấy ông bà chuẩn bị đi dự đám cưới. Tôi tò mò hỏi tuổi tác cô dâu, chú rể. Ngồi chơi không việc gì làm tôi mới đưa tuổi tác 2 đứa ra tính toán. Trời ơi, can chi, ngũ hành, lữ tài bát quái, phi cung mệnh quái có nhiều thứ xung khắc, mà năm nay là năm nào cơ chứ , cô dâu 28 tuổi, phạm kim lâu, mà hôm nay là ngày nào cơ chứ, ngày sát chủ. Tự dưng tôi ngồi mà lo cho đám cưới. Vợ tôi biết chuyện có chia sẽ tâm trạng , còn con tôi lại phản bác. Ba là một nhà khoa học mà lại tin vào những chuyện như vậy à. Tôi bảo với con : Tao tin hay không mặc kệ tao, mày không tin cũng được, mặc kệ mày, tao không áp đặt cho mày là được chứ gì. Con tôi nói : thì vâng, từ trước đến nay ba chẳng áp đặt chúng con điều gì, ba tôn trọng nguyện vọng và ý kiến chúng con, ba chỉ hướng dẫn để chúng con tự tìm ra cách giải quyết. Thế nhưng ba lo cho người ta làm gì, liệu cái lo đó có thật đúng không. Ba tưởng ba lo như thế là thể hiện lòng tốt chứ gì. Con còn nhớ ba giải thích lòng tốt có thể là đúng, đáng yêu và có thể là sai, đáng ghét. Ừ nhỉ, tôi có giảng, có nói thế thật, tôi tỉnh ngộ ra, thôi thì gọi thằng cháu vào chơi với nó còn có ích hơn.
Bà thông gia dự cưới về, tôi tò mò hỏi thăm ở đám cưới người ta có tặng nhiều phong bì không. Bà quá ngạc nhiên, tặng phong bì để làm gì. Tôi giải thích đó là cách nói của dân Việt nam hiện nay, trong phong bì có tiền. Bà lắc đầu lia lịa, không, không, chúng tôi đi dự cưới là để vui vẻ chúc mừng, không phải đóng tiền. Tôi lẩm bẩm, thế thì đám cưới bị lỗ à, phải tranh thủ đám cưới để thu lợi chứ. Ở VN người ta làm thế mà. Đúng là dân châu Âu không biết lợi dụng cơ hội . Con tôi hỏi lại, thế ba tổ chức cưới cho mấy đứa con, ba thu lợi được bao nhiêu. Con nhớ mỗi lần nhà mình có đám cưới ba mẹ chỉ chuẩn bị 4 mâm cỗ, mời một số rất ít người thân thiết mà thôi, ba mẹ có thu lợi được đồng nào đâu. Tôi nói, ba mẹ là loại người lạc hậu, không theo kịp thời thế, kể làm gì. Tôi kể cho con nghe cái nợ của đám cưới. Một hôm ba đến thăm người bạn ốm, bà vợ bạn than thở là ông ốm, một mình bà làm sao đi dự một lúc 4 đám cưới đây. Ba góp ý là chọn lấy 1 hoặc 2 để đi .Bà ta bảo không được, phải đi hết cả 4 vì khi cưới con mình đã mời người ta, người ta đã đến, bây giờ phải đi lại. Ba ớ người , à thì ra là phải trả nợ. Khốn khổ, may mà ba không mắc nợ ai theo kiểu ấy cả. Con tôi định phân tích nguyên nhân từ đâu và tại sao ở ta lại tổ chức cưới linh đình như thế, trong việc này ai được lợi, ai bị thiệt. Tôi bảo thôi, để lúc khác.
Chuyện số 6- Dân châu Âu hơi bị xạo về phố cổ
Không biết sao mà dân du lịch nước ngoài hay tham quan phố cổ. Phải chăng ở đó lưu giữ được một cái gì thuộc quốc hồn quốc túy. Chẳng thế mà mấy cái phố cổ rách nát ở Hà nội, nhiều người muốn đập đi để xây mới mà không được phép. Một số người ngoại quốc, không biết là thật lòng hay bịp bợm cứ khen phố cổ Hà nội có nhiều giá trị lịch sử. Lời khen ấy làm cho một số nhà sử học bị mê hoặc, cứ cố đòi giữ cho được những ngôi nhà chật hẹp, rách nát, bẩn thỉu, chật chội ở những phố Hàng Mắm, Hàng Thùng. Đấy như mấy phố ở Hà nội mới là đại diện cho phố cổ trên thế giới. Du khách quốc tế muốn chiêm ngưỡng phố cổ thì phải đến Hà nội.
Dân châu Âu cũng học đòi thi nhau dựng lên các khu phố cổ để thu hút du khách. Tôi đã đến vài khu phố như vậy thì thấy chúng thua xa phố cổ Việt nam. Phố cổ gì mà đường rộng trên 8 mét, vỉa hè rộng vài mét, hai bên phố nhà cao bốn năm tầng. Thử vào trong một nhà thấy không gian thoáng đảng. Thế thì cổ cái gì. Không lẽ chúng nó xạo. Tôi đoán mò, có lẽ chúng nó cũng thử cố tìm một vài nơi như phố cổ Hà nội nhưng tìm không thấy, đành phải lấy khu phố tương đối lâu năm, khoảng ba, bốn trăm năm làm phố cổ vậy.
Có những phố, không phải phố cổ nhưng vỉa hè xem ra lại thực sự cổ, được lát bằng đá đã vài trăm năm. Đã vài trăm năm, thế mà vẫn cố giữ, không chịu thay, không chịu làm mới. Đúng là dân ki bo, hà tiện quá chừng. Họ không biết sang ta mà học tập. Thì ở thành phố HCM, vỉa hè lát đá từ thời mới xây dựng, trên 150 năm, đang dùng tốt thì nhận được lệnh phá dỡ để thay bằng gạch mới. Lí do thật rõ ràng và hết sức thuyết phục là đá cũ quá rồi. Gạch mới là loại gạch kém chất lượng do cháu của một quan chức lớn của thành phố sản xuất không bán được. Việc thay đá cũ bằng gạch mới đã mang lại nhiều cái lợi cho xã hội. Thứ nhất là thay cũ đổi mới làm cho bề mặt đẹp hơn. Thứ hai tạo ra công việc cho nhiều người. Thứ ba, số đá dỡ ra, mang đi, bán lại để lát ở nơi khác , thu được khoản tiền lớn, Thứ tư tiêu thụ được sản phẩm của cháu vị quan chức đã bị tồn đọng, giải phóng mặt bằng và tiền vốn ứ đọng, phát triển sản xuất. Thứ 5, vỉa hè sử dụng được vài tháng bị hư hỏng, lại tạo điều kiện để kiếm công việc cho các công ty sửa chữa. Một việc làm mang lại nhiều lợi ích như thế mà dân châu Âu không biết thực hiện, thương cho họ quá.
Chuyện số 7- Chính quyền vô trách nhiệm
Tôi đang ở Hà Lan, chuẩn bị đi sang Đức thì được tin sắp có bão. Tôi hỏi ông thông gia xem những lần có bão sắp vào thì Ban phòng chống bão trung ương có điện khẩn cho các nơi ra lệnh phải làm những việc thật cụ thể hay không. Ông hỏi lại, việc cụ thể như thế nào. Tôi nói : việc cụ thể như thông báo cho thuyền bè không ra khơi, cái nào đang ở ngoài biển thì lo tìm nơi trú ẩn, nơi nào có khả năng xẩy ra lũ quét hoặc nhà yếu ở sát biển phải di dân, phải chằng chống nhà cửa , phải bảo vệ công trình xây dựng đang thi công, phải tích trữ lương thực, phải bảo vệ nguồn nước, phải để phòng đứt dây điện, phải bảo vệ mạng sống của dân v.v..Ông ta nghe tôi nói mà quá ngạc nhiên, hỏi rằng ở VN các ông người ta điện khẩn thế à. Tôi trả lời : Vâng, phải làm như thế để chứng tỏ chính quyền quan tâm lo lắng đến toàn dân. Ông lại hỏi, thế mỗi lần sắp có bão đều phải điện khẩn thế cả à, mà trên các đài phát thanh, truyền hình họ không đưa thông tin về bão à. Tôi nói, truyền thanh và truyền hình không những đưa thông tin mà còn đưa sớm hơn. Dân nghe được thông tin rồi, mãi về sau mới nghe điện khẩn, lần nào cũng thế, sắp có bão, sau khi thông tin đại chúng truyền báo rõ ràng rồi thì một thời gian sau có điện khẩn nhắc lại y hệt thông tin đã đưa, kèm theo các việc cụ thể phải làm. Ông nói ở đây ông chưa bao giờ nghe điện khẩn cụ thể như vậy. Tôi nghĩ, trời ơi, thế thì vô trách nhiệm, vô trách nhiệm quá. Phải như VN, phải quan tâm nhắc nhủ cho cấp dưới, cho người dân lo chống bão chứ. Ông thông gia hỏi, thế nếu cấp dưới và người dân không nhận được điện khẩn thì họ có biết phải làm gì không. Tôi nói là họ biết quá đi chứ. Cái việc chống bão đối với dân chúng tôi quá bình thường, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng biết khi bão sắp tới phải làm gì. Bây giờ đến lượt con tôi tham gia, tôi định mắng át đi, ai lại xỏ mồm vào chuyên người lớn, thế nhưng nể ông thông gia tôi cứ để cho nó nói. Nó hỏi, ba ơi, nếu mọi người đã biết cả rồi thì sao không tự đi làm mà còn cần chờ điện khẩn. Giả dụ ba là chủ tịch tỉnh hoặc chủ tịch huyện, khi ba nghe thông báo bão sắp vào tỉnh hoặc huyện của ba thì không lẽ ba phải chờ điện khẩn mới biết phải làm gì à, con xin lỗi, nếu ba phải chờ điện cấp trên mới biết cần làm gì thì từ chức quách cho khỏi làm nhục đến con cháu. Việc điện khẩn báo là bão sắp vào thì có thể vì đó là lời nhắc của cơ quan có trách nhiệm nhưng chỉ thị những việc làm thật cụ thể thì không nên. Ba thử ngẩm nghĩ mà xem, trong trường hợp như vậy càng cụ thể càng thiếu sót. Con có nghe câu chuyện khôi hài là ở xã nọ đang dựng một cổng chào. Sắp có bão, chủ tịch xã định cho chống đỡ hoặc tạm dỡ xuống nhưng bí thư nói là không cần vì trong điện khẩn của cấp trên không có việc phải chống hoặc dỡ cổng chào đang làm chưa xong. Ba có biết không, ẩn dấu đàng sau nội dung điện khẩn là một thái độ vô trách nhiệm và coi thường cấp dưới. Vô trách nhiệm vì người ta cho rằng đã điện rồi thì có thể an tâm, có ai hỏi thì trả lời đã điện khẩn rồi. Ba thử hinh dung trong văn phòng của Ban phòng chống trước và sau khi điện khẩn thì sẽ rõ (trời ơi, tôi già lão rồi, biết hình dung thế nào cho đúng ý con gái đây). Coi thường cấp dưới ở chỗ phải ra lệnh thật cụ thể vì họ nghĩ rằng nếu không cụ thể như thế thì cấp dưới sẽ không biết làm gì, Nếu họ tôn trọng cấp dưới, nghĩ rằng cấp dưới đủ hiểu biết phải làm gì thì sẽ không ra lệnh cụ thể như vậy .Theo con nếu cần điện khẩn thì chỉ cần vắn tắt là bão sắp vào chỗ nào đó, các nơi lo mà phòng chống.
Tôi cứ hay nghe con phân tích là ẩn dấu đàng sau, ẩn dấu bên trong mà ngớ người ra. Không khéo tôi đã nghi oan cho chính quyền châu Âu vô trách nhiệm.
Chuyện số 8- Dân châu Âu lười, cứng nhắc, không linh hoạt
Trong cơ chế thị trường, người bán phải xem khách mua hàng là thượng đế, phải vồn vả tiếp đón, mời chào. Thế mà dân châu Âu chẳng quan tâm gì đến chuyện đó, thế là lười, quá lười chứ còn sao nữa. Ở VN khi xe máy, ô tô đến trạm mua xăng người bán hàng phải ra tận nơi phục vụ, rót xăng, thu tiền, nếu cần còn phải trả lại tiền thừa. Thế mới đúng phép lịch sự phục vụ khách hàng. Ở châu Âu đừng mong có chuyện đó. Anh đưa xe ô tô vào cửa hàng bán xăng, chẳng ai thèm tiếp, chẳng ai hỏi anh cần mua bao nhiêu, chẳng ai rót xăng vào xe cho anh. Anh tự mà làm lấy, cũng chẳng ai kiểm soát, rót nhiều hay ít tùy anh. Rót xăng xong rồi cũng chẳng thấy ai đến thu tiền, anh tự vào máy mà trả. Bán hàng như thế là lười quá chứ còn gì nữa.
Con rể tôi còn kể câu chuyện mà tôi ngẫm ra sự quá lười của cảnh sát. Hắn kể gần đây nhận được giấy thông báo phải nộp phạt 100 Ơ rô vì giờ phút ấy, ngày tháng ấy , tại đoạn đường ấy hắn chạy xe quá tốc độ. Hắn phải tuân lệnh nạp phạt. Ở ta khi bắn tốc độ, phát hiện xe chạy quá nhanh thì cảnh sát phải thổi còi, dừng xe, lập biên bản hoặc thu tiền phạt ngay, còn chúng nó, chẳng thổi còi, chẳng ra lệnh ngừng xe, thế là lười quá chứ còn gì nữa.
Ở ta trước đây, thời bao cấp, làm gì cũng phải xếp hàng. Một người có thể phân thân ra xếp hàng ở nhiều nơi, chỗ mua gạo, chỗ mua thịt, chỗ mua rau. Để thế thân chỗ thì dùng cái mũ, cái rổ, chiếc dép, cục gạch. Từ ngày mở cửa nhân dân ta quên mất sự xếp hàng. Có việc gì đụng đến đông người mà không có tổ chức là rất dễ xẩy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau. Có như thế mới nhanh được việc, mới linh hoạt. Việc xếp hàng là thuộc về quá khứ, lạc hậu lâu rồi. Thế mà dân châu Âu vẫn cứ đeo bám lấy mới lạ chứ. Đến những nơi công cộng cứ có việc gì cần giải quyết theo thứ tự là người ta xếp hàng. Có lẽ họ tìm thấy nguồn vui trong việc xếp hàng để chờ đến lượt mình. Sao lại cứng nhắc vậy nhỉ, sao lại không tím cách chen ngang để được nhanh hơn người khác, sao không chen lấn, xô đẩy để thể hiện sức mạnh nhỉ, Có chen lấn, xô đẩy mới thể hiện tính năng động chứ, cứ xếp hàng trật tự chỉ thể hiện sự trì trệ.
Ở ta, khi đi qua ngã tư, mặc cho đèn đỏ, hễ thấy vượt được là cứ vượt chứ, như thế mới linh hoạt, mới tiết kiệm thời gian. Ở Tây người ta không chịu làm như thế. Ừ thì đèn đỏ nhưng trên ngã tư tương đối vắng, vượt được mà lại không có cảnh sát giao thông thì cứ tranh thủ mà vượt chứ, ai lại cứ dừng để chờ đèn xanh. Đúng là quá cứng nhắc, kém linh hoạt.
Bài viết khác cùng tác giả: Trả lời một số nghi vấn thắc mắc