Sinh hoạt nhóm chuyên môn (Lab)

(dungo-21.02.2015) Hàng tuần trong Lab đều có tổ chức sinh hoạt chuyên môn (seminar). Đây là hình thức tổ chức nhìn đơn giản nhưng mang tính chuyên nghiệp và chuyên môn cực kỳ hiệu quả. Chuyên nghiệp ở chỗ nó giúp cho mỗi thành viên trong lab định hình lại tuần rồi mình làm được việc gì, có gì hay ho cần chia sẻ, hoặc lắng nghe đồng nghiệp xem có gì để học hỏi. Nhiều kiến thức chuyên môn mà khi cá nhân tự đọc, tự nghiền ngẫm thấy rất khó hiểu nhưng khi đưa ra mổ xẻ trong nhóm thì vỡ vạc ra được nhiều điều hay, có thể là động lực mới cho tuần làm việc kế tiếp.

Tuần rồi có một cô đang xin học bổng PhD trình bày lại đề cương chuẩn bị nộp cho Quỹ NCKH Thuỵ Sĩ (SNSF) năm nay do trượt đợt năm ngoái. Cô gửi cho cả nhóm bản đề cương và ý kiến nhận xét của hội đồng phản biện năm ngoái để nhóm có thể góp ý cải thiện để nộp lại năm nay. Đọc xong ý kiến các thành viên phản biện mới thấy đòi hỏi về chất lượng đề cương nghiên cứu PhD và tính cạnh tranh khốc liệt để được các xuất học bổng PhD ở bên này. Đặc biệt ý kiến phản biện tập trung nhiều vào hai tiêu chuẩn ‘project originality’ (tính độc đáo và sáng tạo – độc sáng) và ‘project novelty’ (tính mới lạ). Đây là 02 tiêu chí quan trọng mà một PhD proposal nhất thiết phải có, và càng đặc biệt được chú trọng khi xét tuyển các đề án nghiên cứu xin tài trợ ở quỹ nghiên cứu với nguồn lực dồi dào Swiss National Science Foundation (SNSF).

Theo định nghĩa của Oxford Dictionary thì ‘Originality is the aspect of created or invented works by as being new or novel, and thus can be distinguished from reproductions, clones, forgeries, or derivative works’ (Tính độc sáng là yếu tố sáng tạo hoặc phát minh trong các công trình do tính mới lạ, và do đó khác biệt với các công trình tái chế, nhân bản, giả mạo, hoặc dẫn xuất). Mỗi công trình PhD ít nhất phải có từ một đến vài điểm độc sáng so với tổng quan tri thức (literature) đã có trước đó. Do vậy một cách để chứng minh ý tưởng nghiên cứu của mình mang tính ‘độc sáng’ đó là phải dẫn chứng được các tài liệu tổng quan trong lĩnh vực đang nghiên cứu. Thông thường tính độc sáng thường bao hàm luôn cả ‘tính mới lạ’ (novelty) do yếu tố sáng tạo chi phối. Đề tài cô sinh viên này được cho là thiếu tính ‘độc sáng’ do không trình ra được các tài liệu tham khảo liên quan đến một mảng của đề tài (ký sinh truyền nhiễm gây hai ở động vật hoang dã), và do đó người phản biện cho rằng như vậy chưa xứng tầm với một PhD proposal.

Ngoài ra có một nhận xét khá hay (và thể hiện đòi hỏi chuyên môn rất cao ở bậc học PhD) đó là “the student seems to know how to carry out this project but might not know why” (sinh viên dường như biết cách làm đề tài này nhưng dường như không hiểu tại sao lại làm vậy). Nhận xét này nằm ở phần ‘đề tài quá ôm đồm = nhiều hợp phần + thời gian làm đề tài quá ngắn’ và do vậy không đủ để sinh viên đọc và hiểu rõ mục đích của các hợp phần, các bước trong đề tài sẽ tiến hành. Ở đây ‘biết cách làm’ là chưa đủ, mà phải hiểu rõ ‘vì sao làm như vậy’ mới đạt yêu cầu. Thật là một nhận xét sắc sảo!

Cuối cùng là một nhận xét về phương pháp ComMod (Companion Modeling) sử dụng trong đề tài. Đây là một nhận xét về sử dụng ‘mô hình hoá trò chơi’ trong đó người tham gia sẽ đóng vai trong một xã hội sử dụng tài nguyên thu nhỏ nhằm đo lường cách thức phản ứng (behavior) của một người/nhóm sử dụng tài nguyên trong một bối cảnh (scenario) cụ thể. Phương pháp này phần lớn liên quan đến làm việc nhóm. Do vậy ý kiến nhận xét cho rằng nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng và cân nhắc các tình huống, đề tài có thể bị rơi vào tình trạng dữ liệu thu thập bị thiếu hoặc không thu thập được dữ liệu do phụ thuộc vào (i) cách thức và dụng cụ để bố trí thảo luận, (ii) mối quan tâm của các thành viên được mời, (iii) thảo luận nhóm không đạt được sự thống nhất chung do chọn chủ đề khó hoặc nhạy cảm. Ngoài ra, một số ảnh hưởng ngoại biên (side effects) có thể mang lại tác động tiêu cực đến cộng đồng nhất là khi người dân kỳ vọng vào sự thay đổi mà đề tài nghiên cứu mang lại (vốn có thể không phải là mục tiêu của dự án nghiên cứu).

Chỉ một buổi trình bày ngắn gọn 15 phút nhưng nhóm đã thảo luận đến hơn hai tiếng đồng hồ về các điểm mấu chốt. Quả thật nói không quá rằng Lab và sinh hoạt Lab chính là linh hồn của các hướng nghiên cứu chuyên sâu trong trường đại học. Đây chính là nơi sản sinh ra ý tưởng sáng tạo và cũng là nơi đo lường, đánh giá chuyên môn của nghề dạy và nghiên cứu.

Không biết có trường nào ở Việt Nam đang áp dụng mô hình kiểu này chưa. Nếu có thì chắc chắn trường đó sẽ bứt phá rất nhanh trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn mà trường đang đảm nhận.

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Author. Bookmark the permalink.