Tản mạn nghề nghiệp đầu năm

(dungo-19.02.2015) Viết bên thềm năm mới những băn khoăn về nghề đang theo đuổi. Các ý này khởi nguồn từ những việc được nghe, được thấy vào cuối năm cũ, nhưng dường như là những chuyện thường gặp hàng ngày và (có thể là) căn nguyên của nhiều chuyện khác của cá nhân mình và những người khác cùng cảnh ngộ.

Có thời gian sau này sẽ triển khai thành các bài luận nho nhỏ để xem xét thấu đáo hơn.

  • Ai cũng lo nghĩ đến an phận và yên tâm công tác, vậy cái gì sẽ giúp tạo ra môi trường làm việc năng động và hứng khởi?
  • Ai cũng sợ mất lòng và do vậy không dám nói ra chính kiến trong các cuộc họp, vậy họp để làm gì?
  • Cái gì tạo ra sức ỳ của tập thể? Và làm sao để kích thích mọi người cùng nghĩ về các giá trị chung giúp tạo ra môi trường đáng sống?
  • Giá trị sống nào hiện tại được quan tâm nhiều nhất trong hàng ngũ làm công ăn lương (thu nhập, chức vụ, danh hiệu, uy tín, vật chất)? Hay: công/viên chức hiện nay đang nghĩ gì về tổ chức cơ quan, mục tiêu nghề nghiệp, định hướng trong năm mới?
  • Ai cũng nói hội nhập, nhưng biết bên ngoài người ta làm gì để mình có thể điều chỉnh và thích ứng theo để hội nhập? Mình lấy cái gì để nói chuyện với đồng nghiệp bên ngoài?
  • Giá trị sống chuẩn mực của một con người và những điều mắt thấy tai nghe trong môi trường làm việc hàng ngày có mâu thuẫn nhau? “Xã hội như vận hành bởi bộ tiêu chuẩn kép. Ai cũng biết vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vẫn là như vậy. Nên ở cơ quan sống theo một chuẩn khác, về nhà lại một chuẩn khác nữa. Mỗi người phải đóng quá nhiều vai diễn, đến mức mệt mỏi kiệt quệ, mà không biết để làm gì” (Giáp Văn Dương)
  • Im lặng có phải là vàng? Và ai cũng cho là không thể thay đổi được gì cả vậy thì liệu có nên làm công chức (= làm việc công cho lợi ích của cộng đồng)?
  • Hiểu về “Yêu & tận tuỵ với nghề dạy” thế nào? Có phải là: dạy nhiều, cho sinh viên điểm cao, cho câu hỏi thi dễ, chấm điểm rộng lượng, làm giúp đề tài cho sinh viên?
  • Liệu có thể ‘thoả hiệp’ trong dạy học và nghiên cứu được không?
  • Khác biệt trong dạy học và nghiên cứu ở trường mình & trường ngoài là gì?
  • Cách làm luận văn hiện tại của sinh viên: đề cương, thực hiện, dữ liệu, báo cáo có giúp hội nhập được với bên ngoài không?
  • Chương trình 322/911: đi học thì dễ, về làm thì khó do khác biệt về môi trường đào tạo và môi trường làm việc. Vậy nên ‘nhà cũ’ và ‘người sắp về’ nên chuẩn bị thế nào?
  • Vì sao nhà nước rất tích cực cấp học bổng cho NCS đi học nước ngoài, nhưng ít quan tâm đến việc sử dụng ‘sản phẩm’ được gửi đi đào tạo: hỗ trợ môi trường làm việc, kết nối, lắng nghe, thử nghiệm?
  • Có nên đi học nước ngoài khi xét trên khía cạnh mức độ sẵn sàng tiếp nhận trở lại các du học sinh của các trường trong nước hiện nay?
  • v..v..

Không lẽ mình đang rơi vào tình trạng mất niềm tin? Và cách thoát khỏi đó là chỉ nên nhìn vào những bức tranh nhỏ?

Rồi ai cũng phải sống và làm việc để cho thấy mình tồn tại. Thất nghiệp thì quả là khó khăn, nhưng làm việc mà khác biệt với những gì được học và giá trị sống được tích luỹ bấy lâu thì cũng không lấy gì làm dễ chịu cho lắm.

Voltastrasse 18, sáng mồng 1 Tết Ất Mùi (2015)

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Author. Bookmark the permalink.