Rừng Sác hay Rừng Sát?

Mình hay nghe truyện kể ‘Đặc khu rừng Sác’. Gần đây đọc thêm bài của Thomas Bass viết về anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn, trong đó có giải thích và thiên về dùng từ ‘rừng Sát’. Tìm hiểu ở trang Bách khoa tri thức mới thấy cách viết đúng thực ra là ‘Rừng Sác’. Theo đó, Sác là phiên âm từ chữ nôm và có nghĩa là ‘rừng thấp đầy đầm lầy’, hoặc ‘rừng ngập ngụa’. Tương tự trong bài có cây Mướp sác (Cerbera odollam) là loài cây thường mọc ở vùng ngập mặn (hoặc khu ngập nước) thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Như vậy những cách diễn giải như “Sát = giết = tại khu rừng đó ta đã giết được nhiều giặc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” đều là những suy luận thiếu dẫn liệu (tương tự về chuyện hoàn cảnh sáng tác bài hát ‘Đêm nay anh ở đâu’ của NS Phan Huỳnh Điểu trong bài này).

Dưới đây là thông tin trích lại từ trang Bách khoa tri thức:

ĐỘC GIẢ: Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thường dùng hai tiếng ”RừngSác” để chỉ khu rừng ngập mặn Cần Giờ. Cả tên con đường cũng được đặt là “đường Rừng Sác”. Nhưng lại có một số người cho rằng phải viết thành “Rừng Sát” mới chính xác. Quyển Rừng ngập nước Việt Nam của Lâm Bỉnh Lợi và Nguyễn Văn Thôn xuất bản năm 1972 cũng ghi ”Rừng Sát”.

Xin cho biết xem chữ đã nêu phải viết với -t cuối hay –c cuối mới đúng.

AN CHI: Không chỉ có Rừng ngập nước Việt Nam của Lâm Bỉnh Lợi và Nguyễn Văn Thôn mới viết chữ đang xét với -t cuối. Sổ tay thuật ngữ địa lí của Nguyễn Dược – Trung Hải (Nxb Giáo dục, tái bản lần thứ năm 2003) cũng viết như thế:

”Rừng sát: thuật ngữ được dùng ở miền Nam Việt Nam để chỉ loại rừng ngập mặn có các loại cây mọc sát mặt đất như sú, vẹt, đước, v.v…”

Hai tác giả Nguyễn Dược và Trung Hải chỉ suy luận theo từ nguyên dân gian để lựa chọn cách viết của mình. Các vị này căn cứ vào chỗ các giống cây đã kể “mọc sát mặt đất” mà viết chữ đang xét thành ”sát” mặc dù, thực ra, cây vẹt có thể cao đến 10m còn cây đước thì đến 15m. Định nghĩa của hai tác giả đó không đúng về chính tả và cả thực vật học. Còn có một cách giải thích khác, cũng theo từ nguyên dân gian, thay vì “cây mọc sát đất”, lại cho rằng vì tại khu rừng đó cây mọc san sát với nhau nên chữ đó phải được viết thành ”sát”. Thực ra thì chỉ trừ rừng thưa, có loại rừng nào mà ở đó cây lại không mọc san sát! Lại còn có một cách giải thích cho rằng vì tại khu rừng đó ta đã giết được nhiều giặc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên tên của nó phải được viết thành ”Sát” (vì sát có nghĩa là giết)! Tiếc rằng cái tên ”sác” đã xuất hiện muộn nhất cũng là từ năm 1773, trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra (1945) đến 172 năm (như sẽ nêu rõ ở phần sau) nên cái lý do trên đây chỉ là kết quả của một sự giả tưởng mà thôi.

Thực ra, ta có nhiều chứng cứ để khẳng định rằng ”Sác” mới là cách viết đúng; chẳng những thế ta còn có điều kiện để đi lên đến tận nghĩa gốc của nó bằng những cứ liệu sau đây mà chúng tôi sẽ trình bày theo trình tự thời gian:

Pigneaux de Béhaine 1773 Dictionarium Anamitico Latinum, bản viết tay:  Sác. Sylva palustris”.

– J.L.Taberd 1838, Dictionarium Anamitico Latinum, Serampore:  Sác. Silva palustris”.

– Huình-Tịnh Paulus Của 1896 Đại nam quấc âm tự vị, T.II Sài Gòn:

 Sác Rừng nước mặn (ở gần biển).

            Rừng sác. id (= như trên – AC)

            Cây sác. Cây nước mặn.

            Mướp sác. Thứ trái cây rừng sác.”

J.F.M. Génibrel 1898. Dictionnaire annamite-français, Saigon:

 Sác (= Tẩu), Forêt basse pleine de marécages. Lâm sác, id. Sơn lâm lộc sác, Lieu boisé et marécageux.”

            “  Tẩu (= Sác) Grand étang. Lạc.Marais couvert de plantes (…) Lâm tẩu, Forêts et marais.”

Văn Tân (chiên) 1967, Từ điển tiếng Việt, Hà Nội:

            ”Sác. Loại cây mọc ở bãi nước mặn: Rừng sác ở bờ biển”.

Lê Văn Đức 1970, Việt-Nam tự-điển, Sài Gòn:

            ”Rừng sác. Rừng toàn cây nước mặn như đước, dà, vẹt,… thường ở gần biển”.

            ”Sác. Giống cây mọc gần bờ biển có ngập nước mặn: cây Sác, rừng sác.”

Nguyễn Văn Ái (chbiên) 1994, Từ điển phương ngữ Nam Bộ, TP.HCM:

            ”Sác. Loại cây rừng như vẹt, mọc ở bãi biển nước mặn. Rừng sác”.

Những quyển từ điển trên đây đều là từ điển ngôn ngữ nên về mặt chính tả phải đáng tin hơn là các quyển từ điển thuật ngữ. Huống chi từ điển thuật ngữ như của Nguyễn Dược – Trung Hải lại còn cho rằng cây vẹt và cây đước là những loại cây ”mọc sát mặt đất”. Tất cả các quyển từ điển ngôn ngữ đó đều viết chữ mà quý vị muốn biết với -c cuối thành sác, sớm nhất là Pigneaux de Béhaine 1773. Tác giả này đã ghi nó bằng quốc ngữ là”sác” và bằng Nôm là . Chữ Nôm này là một biến thể của chữ  (như trong Taberd 1838) mà âm Hán Việt thông dụng là ”số” nhưng cũng còn đọc là ”sác” (với nghĩa khác). Người ta đã lấy âm sác của nó để ghi Nôm cái từ mà cả Pigneaux de Béhaine và Taberd đều ghi bằng chữ quốc ngữ là “sác”.  Đến Huình-Tịnh Paulus Của 1896J.F.M, Génibrel 1898 thì chữ Nôm sác đã có thêm bộ thảo (đầu)  mà viết thành . Đây là một chữ hanh thanh mà nghĩa phù là bộ thảo (đầu) còn thanh phù là sác  nên âm của nó tất nhiên cũng là sác. Và cả Génibrel lẫn Paulus Của cũng đều dùng chữ đó để ghi Nôm cái từ mà họ ghi bằng chữ quốc ngữ và ”sác”.

Sự nhất quán về ngữ âm giữa lối ghi Nôm và lối ghi bằng quốc ngữ cho từ đang xét trong từng quyển từ điển cũng như sự nhất quán về lối ghi giữa các quyển từ điển trên đây chính là chỗ dựa chắc chắn để ta khẳng định rằng cái từ mà quý vị đã hỏi phải viết với -c cuối  mới đúng vì phụ âm cuối của nó là [k]. Và thế là, như đã nói, cách đây 231 năm, từ sác đã có mặt trong từ vựng của tiếng Việt rồi nên cho dù nó có vốn được viết với –tcuối (thành ”sát”) thì dĩ nhiên và cũng chẳng phải vì cái lý do ”ta đã giết được nhiều giặc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”!

Trở lên là nói về ngữ âm và chính tả; bây giờ xin bàn về nghĩa gốc của từ sác. Pigneaux de Béhaine 1773 Taberd 1838 đều dịch sác là ”sylva paiustris” (Taberd viết ”silva” nhưng cả hai cách viết này đều được chấp nhận), nghĩa là ”rừng lầy lội”. Génibrel  1898 thì dịch là ”forêt basse pleine de marécages”, nghĩa là ”rừng thấp đầy đầm lầy”. Còn Huình-Tịnh Paulus Của 1896 thì giảng là ”rừng nước mặn (ở gần biển)”. Tất cả đều có một nét nghĩa chung là ”rừng ngập ngụa”. Đây chính là nghĩa gốc của từ sác trong phương ngữ Nam Bộ.

Về sau sác được ghép với rừng thành danh ngữ chính phụ rừng sác để chỉ vùng rừng ngập mặn ở Cần Giờ; rồi vì chỉ dùng riêng cho vùng rừng này nên nó có xu hướng được đặc xưng hóa thành danh từ riêng, viết hoa thành Rừng Sác để chỉ vùng rừng này. Ngoài ra, ta còn có kết hợp cây sác, là một danh ngữ chính phụ dùng để chỉ chung các loại cây mọc ở sác, nghĩa là ở vùng rừng ngập nước, đặc biệt là nước mặn. Vì không biết được nghĩa gốc của danh từ sác và của cả danh ngữ cây sác nên một vài tác giả mới cho rằng sác là tên một loài cây nước mặn, cũng như đước, sú, vẹt, v.v., là tên của những loài cây nước mặn khác. Chính vì không thấy được điều này nên Văn Tân 1967 mới giảng rằng sác là “loại cây mọc ở bãi nước mặn.”, còn Lê Văn Đức 1970 thì ”giống cây mọc gần bờ biển có ngập nước mặn và Nguyễn Văn Ái 1994 thì ”loại cây rừng như vẹt, mọc ở bãi biển nước mặn”. Đây là một sự nhầm lẫn thô thiển mà người ta có thể tránh được nếu biết cách đây 231 năm đã có người ghi nhận cho ta rằng sác là tên của một loại rừng chứ không phải một loại cây.

Cuối cùng, xin nói về sự lẫn lộn của Génibrel 1898 qua hai mục ”Sác (= Tẩu)” và ”Tẩu (= Sác)” mà chúng tôi đã dẫn ra ở trên. Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy cả sác lẫn tẩu đều được ghi bằng chữ .

Chữ này nếu đọc Nôm thì là sác mà đọc theo âm Hán Việt thì lại là tẩu và trong tiếng Hán thì tẩu đúng là ”grand étang; lac; marais couvert de plantes” (ao to; hồ; đầm đầy cây cối mọc đầy), đúng như Génibrel đã ghi. Nhưng hai chữ mà Génibrel đọc thành “lâm sác” thì chính là lâm tẩu , nghĩa là ”forêts et marais” (rừng và đầm lầy) còn bốn chữ mà Génibrel đọc thành ”sơn lâm lộc sác” thì lại chính là sơn lâm lộc tẩu ,nghĩa là ”lieu boisé et marécageux” (nơi cây cối rậm rạp và đầy sình lầy). Với tính cách là một âm Nôm, sáckhông thể kết hợp với lâm hoặc với lộc như Génibrel đã ghi. Có người lo rằng các trang web về lâm nghiệp chỉ ghi ”Rừng Sát” nên phải gõ chữ đang xét với -t cuối thì mới tìm ra được kết quả. Nhưng ta không thể đổi rừng sác thành ”rừng sát” chỉ vì cái sai về chính tả của một vài trang web. Ngược lại, chính những người làm lâmnghiệp phải theo đúng chính tả của tiếng Việt và có trách nhiệm ”lèo láy” sau cho các trang web đó trở về với hình thức chính tả đúng là Rừng Sác.

Nguồn: Bách khoa tri thức

dungo, 10.02.2015

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in QLRBV. Bookmark the permalink.