Nguyên nhân mất rừng và giải pháp

Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development) do hai tác giả Jonah Busch và Kalifi Ferretti-Gallon vừa công bố về nguyên nhân mất rừng và các giải pháp tiềm năng nhằm hạn chế mất rừng trên thế giới. Nghiên cứu này được tổng hợp từ 117 trường hợp nghiên cứu ở khắp các châu lục giai đoạn 1996-2013. Nhiều phát hiện thú vị bao gồm khẳng định một số kết luận các nghiên cứu trước đây, và bác bỏ một số giả thuyết tồn tại lâu nay vốn được xem như là các tiền đề mặc định.

Các kết luận khẳng định bao gồm: Nguyên nhân mất rừng chủ yếu là do mở rộng quy mô canh tác nông nghiệp và phát triển hệ thống đường giao thông. Hệ thống rừng đặc dụng có vai trò quan trọng trong việc hạn chế mất rừng. Chi trả dịch vụ môi trường (PES) đang ngày càng trở thành phương thức hữu hiệu giúp hạn chế mất rừng & suy thoái.

Các kết luận phủ định/không có cơ sở đặc biệt nhấn mạnh đến:

– Quản lý rừng cộng đồng (vốn được xem là cách tiếp cận hiệu quả làm giảm nguy cơ mất rừng) không có tương quan gì đến mất rừng. Nói cách khác, CFM không giúp làm giảm nguy cơ mất rừng và cũng không có bằng chứng rõ ràng CFM gây mất rừng nhiều hơn (Lưu ý đây là kết luận dựa trên dữ liệu tổng hợp ở quy mô lớn, còn từng trường hợp cụ thể/quy mô nhỏ thì chưa hẳn đã chính xác).

– Quyền sở hữu/hưởng dụng (land tenure security) cũng không có ảnh hưởng (quan hệ) đến nguy cơ mất rừng. Nhiều nghiên cứu trước đây thường cho rằng: giao rừng hay làm rõ quyền sở hữu/sử dụng về mặt pháp lý sẽ thúc đẩy cộng đồng bảo vệ rừng tốt hơn do người dân nhận thức được khả năng hưởng lợi lâu dài. Kết luận này đang đặt lại câu hỏi về tính xác đáng của mối quan hệ quyền sở hữu/hưởng dụng – hiệu quả bảo vệ rừng.

– Nghèo đói đi đôi với tỷ lệ mất rừng thấp hơn. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế không thể hiện tương quan mạnh đến nguy cơ mất rừng cao, và do vậy cần thận trọng xem xét thêm trong bối cảnh tác động của các chính sách cụ thể.

Bài nghiên cứu chỉ ra có 4 cách tiếp cận khả dĩ ngăn chặn nguy cơ mất rừng:

1. Quản lý việc phát triển hệ thống đường giao thông chặt chẽ, nhất là ở các nước có diện tích rừng lớn và đang thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế.

2. Xây dựng hệ thống rừng đặc dụng/khu bảo vệ, nhất là ở những vùng có nguy cơ xâm lấn cao.

3. Xây dựng hệ thống chi trả dịch vụ môi trường (PES) hiệu quả giúp cải thiện sinh kế nông thôn kết hợp với bảo tồn tài nguyên rừng. Điều này khẳng định thêm hướng nghiên cứu quan trọng mà CIFOR đã công bố gần đây.

4. Hoạch định và phát triển nông nghiệp hợp lý, ngăn ngừa xâm lấn/chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, nhất là bởi các dự án phát triển nông nghiệp.

Bản tóm tắt của báo cáo xem ở đây (4 trang).

Bản đầy đủ tải ở đây (44 trang).

dungo

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Luncead, QLTNTN. Bookmark the permalink.