Câu hỏi nghiên cứu lâm nghiệp

CIFOR vừa công bố kết quả bình chọn 20 câu hỏi nghiên cứu được quan tâm nhất trong lĩnh vực lâm nghiệp và cảnh quan. Cuộc khảo sát thăm dò dựa vào ý kiến phản hồi của 502 nhà nghiên cứu với 2859 câu hỏi từ 104 quốc gia, diễn ra từ tháng 5/2014 – 11/2014. Xem thêm về trình tự thu thập các câu hỏi và sắp xếp thứ tự ưu tiên ở website T20Q. Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau (1 là ưu tiên cao nhất).

1. Làm cách nào để phục hồi các hệ sinh thái suy thoái nhằm đáp ứng các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, (đảm bảo) chức năng hệ sinh thái, khả năng phục hồi, và (đảm bảo) tính bền vững của các hoạt động sinh kế nông thôn?

2. Trong bối cảnh gia tăng mật độ dân số và khan hiếm đất canh tác, làm cách nào để giải quyết được vấn đề quản lý rừng nhiệt đới bền vững?

3. Làm sao để lồng ghép được ‘tính bền vững’ vào trong các quy định và pháp luật về thương mại (lâm sản)?

4. Xây dựng các mô hình phục hồi rừng có hiệu quả kinh tế (economically feasible) như thế nào?

5. Liệu chúng ta có thể xây dựng được các bộ công cụ thực tế nhằm hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất & quản lý rừng theo định hướng tốt hơn về nhu cầu, văn hoá, và nhận thức của các cộng đồng và vùng miền khác nhau?

6. Hoạt động trồng mới rừng nhằm giảm thiểu cacbon có ảnh hưởng/tác động thế nào đến đa dạng sinh học và môi trường?

7. Làm thế nào để đảm bảo được khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân bản địa sống phụ thuộc vào các khu rừng nguyên sinh đồng thời với việc cung cấp gỗ phục vụ tăng trưởng kinh tế?

8. Làm sao để xây dựng được cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) bền vững?

9. Cần tổ chức thể chế như thế nào để hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ (trong hệ sinh thái cảnh quan) có thể tham gia vào thị trường dịch vụ hệ sinh thái cung cấp bởi các hoạt động phục hồi rừng trên đất hộ đang canh tác?

10. Cần cải thiện các hoạt động nông nghiệp như thế nào để giúp giảm áp lực vào những diện tích rừng hiện có?

11. Cách nào tốt nhất để có thể chọn loài (cây trồng) vừa mang lại lợi ích cả về sinh thái và kinh tế?

12. Có cách thức/phương pháp nào để đảm bảo rằng các dự án phục hồi rừng/cảnh quan có thể giúp làm tăng giá trị cảnh quan (landscape values) trên các phương diện kết nối giữa quần thể và sinh cảnh, thúc đẩy trao đổi gen, di cư loài, cũng như hỗ trợ các kiểu sử dụng đất và sinh kế của người dân địa phương?

13. Làm sao để kết hợp/lồng ghép hiệu quả kiến thức, hiểu biết, và kinh nghiệm bản địa (vd loài cây, các loại LSNG) vào các hoạt động giám sát, đánh giá, và quản lý rừng ở cấp vùng và quốc gia?

14. Làm thế nào để đảm bảo việc bảo vệ/bảo tồn một cách hiệu quả các dịch vụ môi trường trong bối cảnh nhu cầu về các nguyên liệu thô giá rẻ đang ngày càng gia tăng?

15. Thích ứng với biến đổi khí hậu nghĩa là tìm câu trả lời về xu hướng biến đổi khí hậu trong tương lai và các rủi ro gia tăng. Làm thế nào để kết hợp cả hai nội dung này lại trong khi hiện nay chúng đang được nghiên cứu riêng rẽ?

16. Liệu có phải chúng ta đang thực sự dùng ‘giá trị dịch vụ hệ sinh thái’ như là cách thức để đo lường ‘giá trị của toàn bộ hệ cảnh quan’ hay không?

17. Làm thế nào để tăng cường cách thức quản lý cảnh quan/rừng toàn diện (inclusive forest/landscape management) ở những vùng nghèo tài nguyên?

18. Làm cách nào để nông dân có thể kiếm tiền (thu nhập) từ bảo tồn đa dạng sinh học?

19. Làm cách nào để duy trì, phục hồi, và thiết lập các hệ cảnh quan bảo tồn nước (water-friendly landscapes, bao gồm cả rừng và cây) trong khi giúp giải quyết mâu thuẫn phần nào giữa sử dụng đất và nhu cầu nước của các bên liên quan trong một hệ cảnh quan?

20. Làm sao để chắc chắn rằng rừng phục vụ cho lợi ích kinh tế địa phương mà không phải để dành phục vụ cho lợi ích kinh tế của các công ty nước ngoài?

Tham khảo bản tiếng Anh ở đây.

dungo

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Luncead, QLTNTN. Bookmark the permalink.