Niềm tin và thương hiệu trong đời sống hiện đại

(dungo-29.12.2014) Càng ngày khái niệm ‘niềm tin’ càng quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội, nhất là những xã hội đang trong giai đoạn quá độ kiểu ‘tiền tư bản’ hay tranh thủ làm giàu bằng mọi giá.

Ngoài nhãn mác, tên gọi, giải thưởng… điều mà người tiêu dùng cần đến là một sự đảm bảo về mặt uy tín lâu dài về mặt chất lượng sản phẩm dịch vụ được cung cấp. Đây chính là đặc điểm mà những người làm ăn gian dối, ăn xổi không thể có được do họ không có chứng nhận ‘niềm tin’ thông qua thời gian tồn tại của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Hai ví dụ nổi bật mà thời sự đưa tin trong tuần đó là dịch vụ taxi uber hiện nay và số lượng cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường. Uber taxi dịch vụ taxi kết nối trực tiếp giữa người cần di chuyển với tài xế taxi thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Dịch vụ này được định giá khoảng 17 tỷ USD và đang hoạt động ở hơn 130 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam Uber taxi đang hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ mở rộng ra Hà Nội vào đầu năm 2015. Vì sao Uber taxi lại là thách thức lớn đối với sự tồn tại của các hãng taxi khác, mặc dù nó không có nhãn mác, tổng đài, logo? Ngoài lý do giá cả rẻ hơn và tiện lợi ở khâu giao tiếp (qua ứng dụng ở smartphone) thì có lẽ Uber taxi lợi thế ở dịch vụ này giúp xây dựng niềm tin giữa người cung cấp – người tiêu dùng dịch vụ một cách trực tiếp. Chưa biết dịch vụ này sẽ phát triển thế nào, nhưng ít nhất mặt tích cực của nó là đánh động các hãng taxi, buộc các hãng này phải cải thiện dịch vụ và cách chăm sóc khách hàng để cạnh tranh ưu thế hơn.

Báo chí trong nước cũng đưa tin về hiện tượng hàng loạt cử nhân ra trường thất nghiệp (Dân Trí – 174.000 cử nhân chỉ riêng quý 3/2014). Điều này cho thấy xã hội nói chung và các tổ chức sử dụng lao động đang dần mất niềm tin vào chất lượng đào tạo của các trường (nên hiểu chất lượng đào tạo bao gồm cả chương trình, giáo viên, phương tiện giảng dạy). Vì sao những nhà tuyển dụng không mặn mà với sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học? Một lý do dễ nhận thấy đó là hầu hết sinh viên vừa tốt nghiệp đều không nắm vững các kỹ năng làm việc và thiếu kiến thức chuyên môn cơ bản. Riêng trình độ ngoại ngữ và tin học còn rất yếu, hơn 80% sinh viên cho rằng cần phải được đào tạo thêm hai môn này (CRN 2012).

Trước đây, nhiều người nghĩ rằng ứng dụng công nghệ cao, hoặc áp dụng các hình thức quản lý hiện đại sẽ giảm bớt được những gian lận trong các giao dịch kinh doanh hoặc sản xuất. Tuy nhiên những khiếm khuyết ngày càng bộc lộ rõ hơn khi con người quá cả tin vào những thiết bị công nghệ vốn do con người tạo ra và do-con-người-điều-hành. Ví dụ về công nghệ có thể thấy ở hiện tượng gắn chíp ở các cây xăng nhằm gian lận về số lượng, chỉnh đồng hồ counter mét ở taxi. Về sản phẩm có các nhãn mác ‘hàng chất lượng cao’, ‘rau sạch’ nhưng lâu dần không còn đúng như nhãn mác. Về quản lý có thể thấy việc lạm dụng các danh xưng giáo sư, tiến sỹ hay tuyển dụng bố trí người chỉ dựa vào bằng cấp. Tất cả những công nghệ, nhãn mác, hoặc danh xưng dần dần trở nên bị méo mó trong một xã hội mà khung pháp lý chưa đủ mạnh để khuyến khích sự sáng tạo cũng như nghiêm trị gian lận.

Hiện nay dường như có một sự chuyển mình rất lặng lẽ nhưng quan trọng trong định hình chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra thông qua khái niệm ‘niềm tin’ giữa người sản xuất/cung ứng dịch vụ đàng hoàng lương thiện với khách hàng có nhu cầu. Có thể thấy qua một vài dẫn chứng trong đời sống xã hội hiện tại. Về sản phẩm hàng hoá, người tiêu dùng có xu hướng khắt khe hơn trong lựa chọn hàng hoá thân thiện môi trường hoặc có đóng góp vào giá trị lao động của người cung cấp sản phẩm. Chẳng hạn khách hàng có xu hướng thích mua rau quả của người nông thôn mang bán, mua các loại vải tự dệt ở địa phương. Về dịch vụ như Uber taxi là một hiện tượng thú vị về thị trường ‘niềm tin’. Về quản lý điều hành, các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty nước ngoài là những nơi thường chú trọng việc tuyển dụng người làm được việc và quản lý theo đầu ra sản phẩm dịch vụ.

Tóm lại không phải cứ có máy móc tối tân, phương tiện kiểm soát, hoặc phương pháp quản lý xịn là có thể cho ra được các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao và được xã hội tiêu dùng. Hiện nay, chất lượng sản phẩm dịch vụ và cách thức đáp ứng thị trường luôn đi song hành với niềm tin xây dựng qua một quá trình thử nghiệm và chia sẻ. Điều gì đến rồi sẽ đến, xã hội Việt Nam rồi cũng phải hướng đến các sản phẩm dịch vụ có chất lượng và mang tính bền vững bởi niềm tin là thứ cần thời gian để kiến tạo nhưng lại rất dễ mất đi khi không được ‘bảo dưỡng’ cẩn thận.

Voltastrasse 29.12.2014

dungo

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Author. Bookmark the permalink.