Hãy cho học sinh được hưởng một mùa hè và ngày khai giảng đích thực

Sắp đến ngày khai giảng truyền thống nên đọc lại bài này để cảm nhận thêm phần thiệt thòi của thế hệ học sinh hiện nay: không được vui chơi hè theo đúng nghĩa, không có ngày khai trường đúng nghĩa, và cũng không có niềm vui đi học như thuở nào (dtn).

Chưa biết sẽ được làm vương làm tướng, hay trở thành ông này bà nọ, trẻ em mà, chúng không nghĩ gì xa, nếu có thì cũng rất hiếm…Nhưng chắc chắn tất cả trẻ em, nhất là trẻ trong những xã hội tương đối lành mạnh thì được đi học, là một nguồn hạnh phúc khó có gì so sánh… Bên cạnh nguồn hạnh phúc lớn đó, có những niềm vui không nhỏ góp thành. Dù chăm ngoan đến mấy, học sinh nào cũng sung sướng khi được … nghỉ hè. Từ đầu thế kỷ trước có một thiếu niên đã reo vang “Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết/ Đàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”

Đoạn thơ trong này trong bài thơ “Nghỉ hè” của Xuân Tâm được nhiều thế hệ yêu thích, thuộc nằm lòng. Họ thích không chỉ vì bài bài thơ hay mà còn vì tả đúng tâm trạng của mình… Cách nay ba bốn chục năm, học sinh nào được đi học, rồi được nghỉ hè cũng sung sướng lắm! Cái sung sướng của tuổi thơ dung dị, hồn nhiên, dễ dãi nhưng nó nuôi dưỡng, thấm đẫm, ướt át, chắp cánh cho cả một đời người. Không có một tuổi thơ hồn nhiên, vui sướng, có khi dù thành đạt đến đâu, người ta cũng chỉ là một con người khắc khổ , khắc nghiệt…

Nhưng ở Việt Nam, những năm gần đây, học sinh từ thành thị đến nông thôn, không được nghỉ hè. Các trường học, nhất là trường tư, học sinh có đi học trường mới có doanh thu. Nhưng không hẳn là tại nhà trường, mà nhiều bậc cha mẹ, họ lên kế hoạch cho con học thêm từ khi chưa nghỉ hè. Có lần tôi nghe một vị phụ huynh phát biểu “ Cha mẹ bây giờ nôn nóng con cái thành đạt hơn là mong chúng nên người!” Thật ra nhiều bậc cha mẹ cũng muốn con em mình được nghỉ ngơi, vui chơi theo đúng độ tuổi, nhưng nếu không học hè thì sẽ thua kém chúng bạn, khi vào chính khóa sẽ đuối… Thời đại ngày nay khó mà có một mùa nghỉ kéo dài đến ba tháng, nhưng dù một tháng thôi các em phải được hưởng một mùa hè đúng nghĩa.

***

Đã không có niềm vui sướng được nghỉ hè, vui chơi thỏa thích, học sinh Việt Nam còn bị tước luôn niềm vui ngày khai trường … Cái ngày mà mỗi trẻ đi học, dù là học ở ngôi trường làng xập xệ ở một xó núi nhà quê hay một ngôi trường thành phố cao sang, ở những nơi văn minh bậc nhất thế giới cũng đều được hưởng. Nhà văn Pháp nổi tiếng, Anatole France, càng lớn tuổi càng nhớ đến ngày khai trường của mình, với hình ảnh…. “Cậu ta nhảy tung tăng, sách vở mang trên lưng, và con vụ trong túi. Ý tưởng gặp lại bạn bè làm cho cậu ta thấy vui trong lòng. Cậu bé sẽ có biết bao câu chuyện để nói và để nghe. Thế là cậu băng ngang qua vườn Luxembourg trong cái mát mẻ của buổi sáng…”

Còn bài viết “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh từng được đưa vào sách giáo khoa, là một áng văn hay, không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn chứa đựng giá trị giáo dục, giá trị nhân văn sâu sắc…

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời qua đãng…

…Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học 

Từ nhiều năm nay học sinh xứ ta tuyệt đối không có ngày khai trường. Cả nước có một ngày “Tổng khai giảng” vô cùng hoành tráng, với trống đánh cờ giong, các quan chức chia nhau đến dự lễ “khai giảng” với những bài diễn văn hùng hồn, với tràng pháo tay vang dội, báo đài đưa tin bằng những dòng tít lớn, hình ảnh lộng lẫy … Nhưng hỡi ơi, đó là ngày khai trường giả! Vì các em đã phải đi học trước đó cả tháng rồi và điểm số trong thời gian học này được lấy làm điểm thật! Để rồi nếu giáo viên có ra đề tập làm văn kiểu “Em hãy tả lại buổi khai giảng… ” thì các em sẽ cắm cổ làm theo văn mẫu… Nào là náo nức xôn xao, mừng mừng xúc động gặp thầy xưa bạn cũ …. Hoàn toàn láo toét để có điểm. Quá trình dối trá bắt đầu từ đây. Đố em nào dám viết thật “ Sau kỳ học hè, em đã phải đi học lại từ đầu tháng 8, đã hơn 3 tuần rồi. Nhưng hôm nay mới là ngày khai trường. Chúng em đã quen với thầy cô lẫn các bạn mới chuyển vào…”… Chuyện này khiến tôi liên tưởng đến những cặp đôi sống với nhau có con rồi mới làm đám cưới. Một nghi lễ cũng cần thiết nhưng cặp đôi đó đâu có được niềm vui sướng, bỡ ngỡ trong cái ngày đầu tiên họ thành vơ chồng!

Bài học đầu tiên để phát triển nhân cách cho trẻ là sự chân thực. Nhà văn A. Chekhov từng viết “ Dối trá là xúc phạm người nghe và ti tiện hóa người nói”. Khi một xã hội quá chuộng hình thức, tất yếu sẽ dẫn đến dối trá, nhất là dối trá trong giáo dục thì ắt hẳn sẽ dẫn đến nhiều tai ương. Nói một đường làm một nẻo. Tập cho trẻ coi trọng hình thức hơn sự thực. Thi đua khiến tỉnh nào cũng cố cho học sinh tỉnh mình đậu gần 100 %, khiến mọi người , kể cả ngành giáo dục cho rằng nên bỏ thi cho đỡ lãng phí. Coi trọng hư khoa hơn thực học, ưu tiên người có bằng cấp hơn người làm được việc, khiến người ta đua nhau vào đại học, tỉnh nào cũng mở trường đại học và rồi có hàng nghìn cử nhân thất nghiệp. Và một cái bằng tiến sĩ giá cũng không đắt lắm, bởi người ta không hiểu tiến sĩ để làm gì, nhưng có nó sẽ được lên chức, lên lương và giữ cái ghế thêm được nhiều năm nữa với bao nhiêu nguồn lợi. Cuộc khủng hoảng bằng cấp đã nhìn thấy rõ.

Một nền giáo dục, thi cử chỉ thiên về hình thức chẳng khác nào xây một lâu đài trên cát. Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.

Nguyễn Thúy Ái

Nguồn: Viet-studies

About dzungtringo

Work on forest and natural resource management. Interested in how human activities shape the nature including ecology, landscape, and habitats.
This entry was posted in Relax. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s