Được gặp Esther Duflo, giáo sư ‘leo núi’ để chinh phục giải Nobel, người sở hữu những ý tưởng nền móng về đói nghèo toàn cầu đang được những nhà hảo tâm và chính trị gia nổi tiếng thế giới để mắt. Chỉ xin đừng yêu cầu cô nói đùa lấy một câu.
Tôi đang cân nhắc liệu một từ tiếng Pháp ‘froideur’ (lạnh lùng và kín đáo) có nghiệm đúng với Esther Duflo hay không.
Tất nhiên cô ấy không nói đùa, và lần cô giỡn gần đây nhất trước công chúng là trong một bài nói chuyện hội thảo ở California vào năm ngoái, bắt đầu bằng cách nhắc nhở khán giả rằng ‘Tôi lùn, tôi là người Pháp, và cách tôi phát âm đặc sệt giọng Pháp’.
Vâng, thật sự cô ấy nhỏ nhắn, và phát âm giọng Pháp mặc dù đã sống ở Mỹ hơn 15 năm qua.
Nhưng ‘lạnh lùng, kín đáo’ ư? Tôi nghĩ tính cách cô hơi thiên về rụt rè nhưng hoạt bát bởi vì thỉnh thoảng vẫn thấy cô cười; ấy là lúc cô có thoáng chút nghi ngờ; còn nếu để cô e ngại thì bạn khó mà cạy miệng được cô ấy;
Cũng cần nói thêm rằng kiểu tóc và trang phục quần áo của cô đều sẫm màu và đứng đắn.
Nhưng dường như tôi quá hời hợt khi đề cập đến kiểu tóc và quần áo của cô ấy trong khi chẳng đề cập gì đến lĩnh vực chuyên môn của cô – và cũng là lý do mà cô ít đùa giỡn – đó là vấn đề nghèo đói toàn cầu, cụ thể là tại sao các chương trình phát triển ở những nước nghèo thường gặp thất bại, và chỉ thỉnh thoảng mới thành công.
Ở tuổi 38, Esther Duflo là giáo sư về kinh tế phát triển ở Viện Công nghệ Massachusetts thường được gọi tắt là MIT.
Ở tuổi 29, cô giành được vị trí giảng dạy danh giá của Ivy League (8 trường đại học danh tiếng ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ) gồm Princeton và Yale, tuy nhiên cô quyết định gia nhập MIT một phần vì trường này tài trợ cho phòng nghiên cứu của cô đóng ở Ấn Độ với phần thưởng 300,000 USD.
Vì sao có nhiều trường mời cô đến vậy? Có lẽ là do cô là ứng viên của giải Nobel tương lai, bởi trước đó cô đã đoạt giải thưởng John Bates Clark Medal – vốn được xem là giải ‘tiền Nobel’.
Cô cũng đã giành được học bổng danh giá MacArthur vốn được xem là ‘học bổng tài năng’. Cô cũng được trao tặng giải danh dự đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, và cũng đã lọt vào tầm ngắm của Bill Gates.
Trong khi đó ở Pháp, cô được xem là ‘khuôn mặt mới của trí thức bờ Nam sông Sen’. Hai cuốn sách về bài giảng của cô được xếp hạng bán chạy nhất ở đây.
Công trình mới nhất của cô, Kinh tế Nghèo đói – đồng tác giả với một giáo sư MIT khác Abhjit Banerjii, nhắm đến đối tượng đọc rộng hơn và cùng trường phái của Freakonomics – đã và đang tạo nên những làn sóng mới trong các chu trình phát triển.
Thật nguy hiểm cho nhà báo khi muốn tóm tắt những ý tưởng thông minh của những người thông minh, nhưng bài viết này đang cố làm việc đó.
Duflo được biết đến như là nhà nghiên cứu theo trường phái ‘bố trí ngẫu nhiên’ (randomista). Cách tiếp cận cơ bản trong phương pháp nghiên cứu của cô là áp dụng ‘thí nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên’ (randomised control trials = RCT) thường được áp dụng trong y học. Cô thực hiện các nghiên cứu ở Ấn Độ, Ghana, và Kenya.
Lấy một ví dụ. Một trong những nguyên nhân gây nghèo đói ở các nước đang phát triển là do thiếu giáo dục. Điều này dẫn đến việc bố mẹ thường không tiêm chủng cho trẻ, hoặc ngủ không dùng màn chống muỗi.
Nhưng Duflo là một tín đồ luôn nghi ngờ về tính xác đáng của những kiến thức thu nhận chỉ thông qua các tranh luận về giả thuyết, và do đó luôn tìm cách thực tế để kiểm tra liệu những kiến thức này có đúng sự thật.
Có phải người nghèo không coi trọng màn chống muỗi bởi vì màn được cấp phát miễn phí? Cô đã thử nghiệm thu một mức phí tượng trưng (thấp) và phát hiện ra rằng, trái với suy luận thông thường, đã có nhiều người sử dụng màn hơn.
‘Một điều có vẻ mới trong cách tiếp cận này đó là chúng tôi đã thu thập được rất nhiều dữ liệu. Chúng tôi cho rằng bạn không cần phải ngồi chờ dữ liệu hoặc luôn bàn luận về các giả thuyết. Bạn có thể tiến hành các thử nghiệm của riêng bạn’.
Với quy mô của vấn đề đặt ra (nghèo đói) – gần 1 tỷ người trên thế giới đang sinh tồn với mức 50 xu cho một ngày – có lúc nào cô nghĩ sẽ từ bỏ (ý định nghiên cứu này) trong tuyệt vọng?
‘Không, bạn phải lạc quan và nên quan niệm rằng tốt một chút còn hơn là chẳng tiến triển gì. Và cũng nên nghĩ rằng, nếu kết quả thử nghiệm không tốt, thì đó là một kết quả hữu ích bởi điều này có nghĩa là bạn không cần phải áp dụng cách làm này cho cả thế giới bởi nó sẽ thất bại’.
Cô tin tưởng rằng: người nghèo thường rất thông minh trong việc chi tiêu những đồng tiền dành dụm ít ỏi, bởi vì đối với họ đó là vấn đề sống còn.
Chúng tôi hỗ trợ họ mặc dù họ thường nghĩ theo cách những nước giàu chúng ta thường nghĩ. Lấy ví dụ về tiêm chủng văcxin MMR ở Anh (measles, mumps, and rubella – Sởi – Quai bị – Rubella).
‘Bố mẹ thường nghĩ rằng văcxin MMR thường dẫn đến bệnh tự kỷ và họ từ chối tiêm chủng cho con. Họ nghĩ rằng đang làm điều tốt cho con, nhưng thực ra họ đang nghi ngờ tính xác đáng (của văcxin) mà chẳng có cứ liệu khoa học nào’.
‘Dù sao điều này cũng khá bất thường bởi vì ở phương Tây việc chúng ta làm thường căn cứ vào niềm tin. Bạn tin vào bác sĩ. Điều này lại khác hẳn ở các nước đang phát triển bởi vì một lý do nào đó, niềm tin không tồn tại ở đó’.
‘Rất nhiều người tự nhận là bác sĩ nhưng thực ra họ không phải là bác sĩ mà chỉ là những ‘lang băm’. Và cũng có rất nhiều thuốc giả. Chính quyền thường lừa bịp dân chúng, tuyên bố những điều có lợi nhất cho bản thân họ’.
‘Ở nước mình chúng tôi cũng được giúp đỡ rất nhiều. Nếu bạn không dẫn con đi tiêm chủng, bạn sẽ gặp rắc rối lớn. Ở Ấn Độ thì ngược lại’.
Cô nói thêm, ‘giải pháp ổn nhất cho tiêm chủng đó là khai mở thông tin. Nhưng đôi khi để khuyến khích người dân uống thuốc tẩy giun thì cách đơn giản nhất là khích lệ họ một chút, chẳng hạn cho thêm một ký đậu lăng’.
‘Điều này mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều khi chúng tôi thử nghiệm’.
Và rồi một trường hợp kỳ lạ khác về một người đàn ông đang sống trong một ngôi làng ở Morocco không đủ tiền mua thức ăn cho gia đình nhưng lại quyết định mua Tivi.
‘Người nghèo cũng ghét buồn chán như tất cả chúng ta vậy. Với họ, có lẽ hạnh phúc cũng không kém phần quan trọng so với sức khoẻ’.
‘Người đàn ông đã mua chiếc tivi đó bằng số tiền dành dụm trong nhiều tháng trời. Đó không phải là một quyết định ngẫu hứng. Chúng ta phải xem chuyện này một cách nghiêm túc và nên hỏi tại sao’.
Có thể cô cảm thấy khó chịu khi phải luôn nghe ý kiến của những người không có chuyên môn; ai cũng có quan điểm riêng về vấn đề ‘nghèo đói toàn cầu’ nhưng cái nhìn chung nhất đó là cứu trợ chỉ phí thời gian trừ phi bạn thay đổi những cơ quan yếu kém đang điều hành các gói cứu trợ này.
Phần lớn số tiền cứu trợ cuối cùng đều rơi vào túi của những quan chức tham nhũng.
Cô nói thêm ‘Điều lý giải tốn-thời-gian-vô-bổ là cách nhìn nhận thường gặp ở các chuyên gia cũng như người nghiệp dư’.
‘Nhưng không phải tất cả các chính sách thất bại đều là hệ quả của chính quyền tham nhũng, mà có khi là do không suy nghĩ thấu đáo về vấn đề. Bạn có thể bắt đầu nghĩ về chính trị theo cùng cách mà bạn đang nghĩ về tiêm chủng và giáo dục.
‘Liệu chúng ta có chỉnh sửa được không? Liệu chúng ta có làm tốt hơn chút nữa được không?’
Một trong những vấn đề liên quan đến nghèo đói toàn cầu đó là tăng trưởng dân số. Liệu giải pháp có phải là giao quyền cho phụ nữ kiểm soát sinh đẻ thông qua giáo dục họ không?
‘Dự báo gần đây của Liên hiệp quốc về dân số thế giới là khoảng 10 tỷ, và sự thật là chúng ta không biết nhiều về điều này, điều đó thật đáng sợ’.
‘Ấn Độ và Châu Phi đang sinh sôi nhanh nhất, và vì vậy câu hỏi trở thành: tại sao người nghèo lại có nhiều con hơn? Có phải họ vẫn mong có ít con nhưng không biết cách kiểm soát sinh đẻ hay không?
‘Không phải luôn đúng như vậy, bởi vì chúng tôi phát hiện ra rằng nếu chỉ đưa cho họ thuốc tránh thai thì không thể nào làm giảm nhanh tỷ lệ sinh đẻ được, và vì vậy chúng ta cần phải suy nghĩ lại.
‘Chúng tôi gặp một người đàn ông có 9 con ở Indonesia, ông ta phàn nàn rằng đông còn làm cho gia đình ông nghèo nhất trong vùng. Tôi hỏi “Vậy sao ông lại có nhiều con đến vậy?” và ông ta trả lời “Vì ít nhất cũng có vài đứa ở quanh tôi để đỡ đần lúc tuổi già”.
Tôi cần nhấn mạnh thêm rằng vợ ông ta im lặng trong suốt buổi nói chuyện. Vậy đó là quyết định của ông chồng, chứ không phải của bà vợ. Lựa chọn của ông ta chính là mối bận tâm điều gì sẽ xảy ra khi về già. Trong khi đó ở phương Tây, chúng ta không phải bận tâm về điều này vì đã có hệ thống phúc lợi xã hội.
Điều gì đã giúp cô thuyết phục được thành viên đảng bảo thủ (Tory) không cắt giảm các gói viện trợ quốc tế trong tình hình cắt giảm mạnh ngân sách chi tiêu của chính phủ?
‘Tôi đã theo dõi và nghĩ rằng đạt được việc này là nhờ vào niềm tin mà các nước giàu và người dân của họ cho rằng cuộc sống của họ cũng sẽ không thay đổi bao nhiêu nếu phải cho ít hơn’.
Như Ian Parker đã lược thuật năm ngoái (17/5/2010) về chân dung thú vị của Duflo ở trang New Yorker, cô đã có hai buối ăn tối cùng Bill Gates (và những người khác bao gồm người đứng đầu của Amazon và Facebook) trong một hội nghị năm ngoái mà cô kể lại là rất ‘hiệu quả’. Cô nói rằng cô không thích nói chuyện với người không quen biết. Nhưng theo Parker thì cô rất thoải mái khi nói về công việc của cô ấy, và cách tiếp cận khoa học của cô đã tạo tiếng vang rõ ràng với các nhà hảo tâm trong thời đại Internet.
Gates bảo: ‘Chúng tôi cần tài trợ cho cô’.
Liệu ông ấy có phải là một người nghe dễ tính không? ‘Ông ấy là một độc giả rất háo hức, và khi ông ấy nói chuyện với bạn thì ông đã kết nối được những thứ ông đã đọc hoặc nhìn thấy. Ông ấy rất thông minh và cố gắng tích hợp những điều bạn nói vào những suy tư của ông ấy. Vì vậy ông rất quan tâm’.
Liệu cô ấy có phải là fan hâm mộ của ‘nhóm tỷ phú’ hay không? … ngập ngừng cô trả lời ‘Đó là một diễm phúc khi bạn nghĩ rằng bạn có thể gây ảnh hưởng lớn đến một người như Bill Gates’.
‘Có rất nhiều điểm tích cực từ những việc ông đang làm. Quỹ của ông ấy vận hành theo dựa vào dẫn chứng và thực tế. Thông điệp của ông ấy, và cũng là của chúng tôi, đó là vấn đề không phải là bạn tiêu dùng bao nhiêu mà là bạn tiêu dùng nó như thế nào’.
‘Nếu bạn tiêu tiền hiệu quả thì sẽ sử dụng được lâu dài. Trọng tâm là nên tìm xem cách làm nào hiệu quả’.
Cô thường làm gì khi không nghĩ đến các vấn đề kinh tế?
‘Leo núi. Tôi tập trong phòng và ngoài trời, ở dãy Alps và ở châu Phi, núi Kenya, Kilimanjaro’.
Óc quyết đoán của cô thể hiện qua việc mô tả thú vui của hoạt động leo núi
‘Bạn phải quyết tâm và kiên nhẫn và tự tin rằng mình có thể làm được. Ngược lại nó như một lời tiên tri tự biến thành hiện thực: nếu bạn nghĩ rằng leo núi là quá khó thì nó sẽ trở nên quá khó’.
Leo núi. Giải quyết nghèo đói toàn cầu. Dường như cô tiếp cận cả hai vấn đề theo cùng lối tư duy lạc quan hệ thống.
“Bạn cần phải hoàn toàn tập trung vào những gì bạn đang làm ngay lúc đó. Hoàn toàn bị lôi cuốn. Vì thế tôi không thể nào nghĩ đến kinh tế’.
Liệu cô ấy có đọc sách kinh tế khi đang ở trên bãi biển không? ‘Tôi không đi biển. Đi biển không mang lại giá trị gì cả. Nếu tôi phải đi biển thì thà đọc sách kinh tế còn hơn’.
Cô tự mô tả mình như là ‘đơn điệu’ và ‘không hài hước’. Trước đây cô đã từng có bạn trai nhưng hiện tại sống độc thân trong căn hộ ở Becon Hill, Boston.
Cô thường tiêu khiển trò gì? Có sở thích xem hài kịch truyền hình không? ‘Tôi không bao giờ xem tivi trong đời. Tivi chỉ lướt qua tôi. Tôi thích xem phim ở rạp và nấu ăn với bạn bè. Món Ấn Độ, biết một chút món Pháp. Tôi đọc sách và không sáng tác”.
Trước đây ở nhà cô có nấu ăn không? Không hề. Luôn có thức ăn trên bàn nhưng tôi và anh trai thích nấu ăn có lẽ là do phản ứng với việc luôn phải ăn mì ống lúc còn nhỏ”.
Anh trai của cô là giáo sư triết học ở Pháp. Bố cô là giáo sư toán học. Mẹ cô là bác sĩ. Tôi đoán rằng những cuộc đàm thoại ở bữa ăn chắc mang đậm chất tư duy?
‘Chúng tôi thực sự là một gia đình gắn kết. Vâng, vì vậy luôn có nhiều cuộc tranh luận thú vị trong các bữa ăn’.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Duflo thích nghe nhạc cổ điển, nhưng cô cũng thực sự có một ban nhạc yêu thích, và bạn sẽ không bao giờ đoán ra đó là ban nhạc nào: Madness (Điên cuồng).
Bạn không thể hình dung được cảnh cô ấy hát theo bản nhạc Baggy Trousers, nhưng cũng nhắc lại rằng cô ấy không phải là người dễ bị xếp vào hộc.
Câu hỏi cuối cùng, ‘Có thể nói rằng không nhiều phụ nữ là những nhà kinh tế học hàng đầu trên thế giới?’. ‘Năm năm trước đây có thể nói là đúng như vậy, nhưng bây giờ đã có rất nhiều hạt giống xuất hiện’.
‘Là phụ nữ tôi cũng có điểm thuận lợi đó là luôn có một vài hội đồng khoa học cần phụ nữ để điền vào cho đủ quy định’.
Và với câu nói hài hước hiếm hoi này, chúng tôi nói lời chia tay.
Nigel Farndale
7:30AM BST 07 Aug 2011
Nguồn: The Telegraph
Người dịch: dungo